Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum 2022 do Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times - VnEconomy phối hợp tổ chức ngày 8/4, bà Cao Xuân Thu Vân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, diêm dân Bạc Liêu sản xuất "khó nhọc", hạt muối đóng gói 0,5kg chỉ bán được 5.000 đồng.
Nhưng lại có cách giúp 0,5kg muối có thể bán với giá tăng gấp 40 lần, không chỉ tăng giá trị hạt muối, nâng cao thu nhập người dân, mặt khác, hướng nền kinh tế đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.
NÂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM, BÁN LỜI HẠT MUỐI GẤP 40 LẦN
Ban đầu, nhà quản lý trăn trở nghĩ cách giúp diêm dân tăng giá trị, cũng 0,5kg muối đó có thể bán gấp 10 lần với giá 50.000 đồng bằng cách thay đổi mẫu mã, bao bì đẹp hơn.
Nhưng không dừng lại đó, lãnh đạo tỉnh kết nối giúp doanh nghiệp hợp tác với Pháp đưa 0,5 kg muối Bạc Liêu bán được 200.000 đồng, như vậy, tăng 40 lần.
Xác định lợi thế của địa phương, Bạc Liêu xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng sản xuất sạch. Khi đó, triển khai trước từng trụ điện gió ngoài khơi, làm những việc khó trước, sau đó mới tiến vào đất liền, bởi sử dụng đất đai trong đất liền sẽ ảnh hưởng đến người dân.
Lãnh đạo tỉnh cũng trăn trở một nỗi, làm muối, nuôi tôm, sản xuất điện có mâu thuẫn hay không?
"Để giải được bài toán này, chỉ có cách phải thay đổi công nghệ", lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh. Theo đó, việc nuôi tôm truyền thống trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít nước, ít ô nhiễm môi trường, để các ngành nghề khác cùng hưởng lợi.
Lúc này, người dân sản xuất lúa, tôm không dùng kháng sinh. Còn doanh nghiệp đầu tư lớn, dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh định hướng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất. Mặt khác, muốn chất lượng muối tốt thì phải bảo vệ nguồn nước, chung tay bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng lưu ý, nhắc đến chuyển đổi số, hay tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, điều đầu tiên cần cân nhắc, đó là 70% dân số Bạc Liêu là nông dân, họ có đồng tình, thấu hiểu hay chiến lược phát triển của địa phương hay không. Bởi nguồn lực để phát triển, tăng trưởng xanh phụ thuộc phần lớn, đến 70% vào khu vực tư nhân nhưng đối tượng tác động đến 70% là nông dân.
Do đó, "phải thay đổi tư duy một cách hệ thống, không chỉ lãnh đạo mà người dân hiểu được chủ trương này, từ đó, tạo sức lan toả để người dân ủng hộ", bà Vân tiết lộ.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và nhà đầu tư phải được hoá giải, để cùng nhau phát triển hướng đến lợi ích chung, bởi nếu chỉ doanh nghiệp phát triển được mà người dân thiệt hại sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích, gây khó trong quản lý.
Cũng nằm trong vùng đất "chín Rồng" trù phú, được thiên nhiên ưu ái về tiềm năng sông ngòi chằng chịt, tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, 70% dân số sống bằng nghề nông.
Tuy nhiên, Đồng Tháp lại chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hệ luỵ từ thuỷ điện đầu nguồn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của người dân.
Nhận thức được tiềm năng và khó khăn của địa phương, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cách đây 10 năm, tỉnh đã thấy rõ phải tái cơ cấu nông nghiệp.
"Chúng tôi cũng tận dụng nhiều nguồn lực từ các tổ chức quốc tế trong phát triển bền vững, tạo sinh kế cho bà con trong mùa lũ, giảm thiểu thích ứng biến đổi khí hậu, tạo mô hình bền vững, để bà con tận dụng thế mạnh địa phương, tăng thu nhập người dân", ông Tuấn cho biết thêm.
CHUẨN BỊ NGUỒN NHÂN LỰC, ĐÓN ĐẦU TĂNG TRƯỞNG XANH
Định hướng phát triển thời gian tới, ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Đồng Tháp lấy giáo dục - y tế - nông nghiệp làm 3 mũi đột phá cùng chuyển đổi số. Trong quy hoạch tỉnh cũng sẽ tích hợp tăng trưởng xanh, để phát triển tốt hơn.
Đặc biệt, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp bài bản hơn tới năm 2025, định hướng năm 2030, trong đó, nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Đồng Tháp xác định cải tiến công nghệ để đưa vào sản xuất, vì vậy, tỉnh ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số làm mục tiêu phát triển dài hạn.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, để đón đầu tăng trưởng xanh, lãnh đạo tỉnh suy nghĩ về việc phải hội tụ nguồn lực, tăng cường giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Nếu điện gió cần bảo trì, bảo dưỡng nhưng lệ thuộc công nhân, kỹ sư nơi khác thì người dân Bạc Liêu không được hưởng lợi. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo nhân lực để chuyển giao", bà Vân lý giải.
Thời gian vừa qua, Bạc Liêu triển khai 8 dự án điện gió gần 500MW, nếu không sử dụng nguồn lực tại chỗ, khó thể đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó, Bạc Liêu cũng tăng thu ngân sách.
Do đó, chúng ta phải làm cho đứa trẻ yêu quê hương mình, hiểu được lý do tại sao phải bảo vệ môi trường, thấy rõ tại sao phải phát triển xanh.
"Thông qua mô hình đưa các sinh viên trẻ tham qua điện gió, ô sản xuất nuôi tôm, tham quan di tích lịch sử gắn với sản xuất này để các em yêu quê hương. Từ đó, nhiều em sau khi học xong quay về khởi nghiệp, sản xuất tôm, phát triển mô hình du lịch sinh thái và thành công", bà Vân hào hứng chia sẻ.
Điều đó cho thấy không chỉ đi thành phố lớn mới thành đạt mà sinh viên Bạc Liêu dùng kiến thức trên ghế nhà trường có thể quay về quê, phá bỏ tư duy "cha làm nông dân quá nghèo, phải cho con đi học, tìm cơ hội phát triển nơi khác".
"Chỉ cần biết cách nâng chuỗi giá trị sản xuất, đưa quê hương phát triển. Từng nơi phát triển xanh thì đất nước mới xanh được. Một vùng màu nâu, đất nước không trọn vẹn. Hội tụ nguồn nhân lực rất quan trọng", lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định.
Vì vậy, nên quan tâm đầu tư giáo dục, đưa nội dung vào giảng dạy ngay từ bây giờ, hành động sớm hơn để tạo thế hệ nhận thức rõ ràng hơn, lúc này mới bền vững thật sự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, quy hoạch chung của tỉnh phải thích ứng toàn bộ quy hoạch chung của các ngành, thuận với hiệp ước đã ký kết với các quốc gia để thống nhất nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng đến đâu phải phù hợp với phát triển xanh đến đó, để doanh nghiệp thấy thuận lợi phát triển dự án.