Các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. "Số người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng, 11 - 13% mỗi năm", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), cho biết.
Theo bác sĩ Dũng, hiện có nhiều trường hợp 25 - 35 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim, suy tim... Trường hợp trẻ nhất can thiệp tim mạch ở Bệnh viện Bưu điện là nam bệnh nhân 31 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, đang chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do lối sống, thói quen không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya. Trong cộng đồng, người dân còn chủ quan với các bệnh lý tim mạch, thờ ơ cho rằng bệnh không xảy ra với mình. Vì vậy, nhiều bệnh nhân trẻ đến khám với huyết áp khá cao, tuy nhiên không khám và điều trị gì trước đó.
Tương tự, bác sĩ Trần Hùng Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện, cũng nhìn nhận số bệnh nhân tim mạch tăng trung bình trên 10% mỗi năm. Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận gần 100 người đến khám các bệnh lý về tim mạch. Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam ghi nhận 3.500 - 4.000 trường hợp can thiệp tim mạch, trong đó 15 - 17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Trong đó, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp ba lần so với người không mắc bệnh.
Nguyên nhân khiến số ca tim mạch ngày càng tăng còn do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch. Ngoài ra, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ, theo WHO. Khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10 -20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tại hội nghị khoa học Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10 được Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng và trực tuyến đến các điểm cầu ngày 11 – 12/10 vừa qua, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, theo báo cáo từ Bộ Y tế, trong hai năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam đã tăng gần 20% so với các năm trước, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.
Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40.000 - 50.000 ca can thiệp đặt stent mạch vành được thực hiện để cứu sống bệnh nhân. Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, tại Việt Nam, ca can thiệp động mạch vành đầu tiên thực hiện tại Viện Tim Mạch Việt Nam năm 1995. Đến nay, trên cả nước có hơn 140 trung tâm can thiệp tim mạch trên cả nước với đội ngũ bác sỹ làm can thiệp tới gần 500 người.
Trình độ chuyên môn cũng như kỹ thuật thực hiện các ca can thiệp tim mạch trong nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực can thiệp tim mạch của Việt Nam cũng còn những thách thức như chênh lệch khoảng cách giữa các tuyến trung ương và địa phương, giữa trong nước với các nền y tế tiên tiến trên thế giới, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng.
Hội nghị năm nay gồm hơn 50 phiên thảo luận khoa học bao gồm các phiên tổng quan, các phiên truyền hình trực tiếp về 5 ca can thiệp hay và phức tạp từ 3 trung tâm tim mạch lớn trong cả nước thuộc các bệnh viện: Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Đà Nẵng. Cùng với đó là những phiên hướng dẫn thực hành kỹ thuật mới giúp cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực can thiệp các bệnh lý tim mạch.
Đặc biệt, năm nay, những vấn đề về can thiệp các bệnh tim cấu trúc được đề cập đến rất nhiều và đây cũng là xu hướng tương lai. Các kỹ thuật như can thiệp van tim, thay van, sửa van tim qua đường ống thông là những ví dụ điển hình. Đại diện Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, những năm gần đây, ngoài các ca mạch vành, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như: can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực hội Tim mạch học Việt Nam, tim mạch can thiệp là một lĩnh vực ngày càng phát triển, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng và tiên phong trong chẩn đoán và nhất là điều trị những bệnh lý tim mạch phức tạp. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật can thiệp tim mạch ngày càng được phổ biến hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.
Đáng chú ý, đã có 6 trung tâm ở Việt Nam được chứng nhận quốc tế là trung tâm độc lập can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông, trong đó có 2 trung tâm trở thành là trung tâm đào tạo kỹ thuật này.
“Con số trên 140 trung tâm Tim mạch can thiệp trên cả nước, bao phủ gần như hầu hết các tỉnh thành chính là con số rất ấn tượng, thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành Tim mạch can thiệp nước ta”, GS.TS Nguyễn Lân Việt nói và bày tỏ tin tưởng với việc được nâng cao không ngừng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ lĩnh vực tim mạch, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành Tim mạch can thiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển nhiều hơn nữa.