Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã thực hiện 551 cuộc kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó có 201 cuộc kiểm tra theo kế hoạch năm, 350 cuộc kiểm tra đột xuất, thường xuyên, phối hợp kiểm tra liên ngành.
Quá trình kiểm tra đã phát hiện 27 hành vi, xử phạt vi phạm hành chính, nộp kho bạc nhà nước hơn 130 triệu đồng. Trong đó, riêng lực lượng công chức thanh tra đường sắt đã kiểm tra 477 cuộc, phát hiện 25 hành vi, xử phạt vi phạm hành chính gần 130 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cục Đường sắt, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cùng địa phương đã phối hợp xóa bỏ được 209 vị trí lối đi tự mở qua đường sắt so thời điểm ngày 31/12/2021, hiện còn 3.623 vị trí.
Tính đến ngày 31/8/2022, các đơn vị cũng đã phối hợp cùng địa phương thực hiện: Rào thu hẹp tại 1.455 lối đi tự mở (đạt 80,47%); cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 2.969 vị trí (đạt 81,94%); tổ chức cảnh giới an toàn giao thông tại 376 vị trí giao cắt (62,56%); cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3 m là 187 vị trí (24,7%); xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại 746 vị trí giao cắt đường sắt với đường bộ; kết nối duy trì tín hiệu đường bộ-đường sắt tại 39 điểm.
Tuy nhiên, hiện trên các tuyến đường sắt vẫn còn tồn tại 8 điểm đen, 1.282 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã lập hồ sơ toàn bộ các lối đi tự mở, bàn giao cho địa phương cùng quản lý và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn. Rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đề xuất nâng cấp cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới an toàn giao thông; thông báo lịch trình chạy tàu, tổ chức tập huấn, cung cấp dụng cụ phòng vệ, điện thoại liên lạc chạy tàu tại 108 vị trí cảnh giới cho lực lượng tham gia cảnh giới của địa phương.
Thời gian tới, Cục Đường sắt cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang có gác tuyến Hà Nội-TPHCM khu vực miền Trung và miền Nam; tổ chức lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt với hoạt động thanh tra, kiểm tra trong 3 tháng cuối năm 2022.
Tiếp tục làm việc với các địa phương nơi có đường sắt đi qua để đôn đốc, triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, tập trung vào việc bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở.