Sáng 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Trước đó, vào tháng 1/2020, ông Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước khi được bổ nhiệm, ông Đặng Sỹ Mạnh từng kinh qua các chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ông Đặng Sỹ Mạnh ghi dấu ấn trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khi đã cùng với tập thể lãnh đạo và người lao động đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực vận tải trong năm 2022 sau nhiều năm khó khăn do dịch bệnh và sự cạnh tranh gay gắt của các phương thức vận tải khác. Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm.
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Đặng Sỹ Mạnh là cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản, trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí từ lãnh đạo doanh nghiệp tới lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước ngành đường sắt. Tới nay, ông Đặng Sỹ Mạnh đã gắn bó, công tác trong ngành đường sắt được hơn 30 năm.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc VNR, ông Đặng Sỹ Mạnh đã "chèo lái" Tổng công ty vượt qua các giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hiện nay, mạng lưới đường sắt quốc gia đạt đến tổng chiều dài 3.143km và có 297 khu ga, đi qua 34 tỉnh, thành. Tổng công ty hiện có 21.557 người lao động. Bên cạnh những đóng góp vào hệ thống giao thông quốc gia, hoạt động đường sắt còn gắn liền với an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, liên vận và hợp tác quốc tế.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, VNR đang trong giai đoạn khó khăn do những ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19; tuy nhiên, đây cũng là động lực, cơ hội để Tổng công ty đổi mới, phát triển toàn diện. Ngành đường sắt đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là đối với định hướng, chiến lược quy hoạch phát triển ngành trong những năm tới.
Hiện, VNR đang tập trung tái cơ cấu, đổi mới toàn diện các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhằm mang đến cho người dân những dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn.
Năm 2023, VNR phấn đấu tổng doanh thu đạt 6.505 tỷ đồng, đã bao gồm doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 115 tỷ đồng.