Theo đó, tổng tài sản ròng của hộ gia đình và các tổ chức phi lợi nhuận của nước này tăng thêm 5,5 nghìn tỷ USD, tương đương tăng 4%, trong quý 2 năm nay, sau khi tăng 3 nghìn tỷ USD trong quý 1. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, tổng tài sản của người Mỹ hiện đã phục hồi hoàn toàn sau một giai đoạn sụt giảm vì thị trường chứng khoán và bất động sản tuột dốc do lạm phát cao.
Sự phục hồi tổng tài sản của người Mỹ chủ yếu nhờ giá trị các khoản đầu tư cổ phiếu của họ tăng mạnh, với mức tăng 2,6 nghìn tỷ USD được ghi nhận trong quý 2. Giá trị tài sản là bất động sản tăng thêm 2,5 nghìn tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.
Tổng tài sản ròng của người Mỹ hiện cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ USD so với mức kỷ lục cũ là 152 nghìn tỷ USD thiết lập vào đầu năm 2022. Lượng tài sản khổng lồ này được nhận định sẽ là “tấm nệm” quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua được những thời kỳ khó khăn trong tương lai, khi tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng.
Để chống lạm phát, Fed đã có 11 đợt tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 đến nay, với tốc độ tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,25-5,5%, cao nhất 22 năm. Giờ đây, khả năng Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài để đưa lạm phát về mục tiêu 2% đang gây áp lực giảm lên thị trường chứng khoán và nhà đất ở Mỹ, đồng thời đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu có suy thoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không suy thoái trong năm nay, mà sẽ rơi vào tình trạng như vậy trong năm 2024 và đó sẽ chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ.
“Dù tăng mạnh gần đây, tổng tài sản của người Mỹ không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này hạn chế sự đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng. Ngoài ra, mức độ biến động lớn của tài sản kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ nhắc nhở các hộ gia đình một điều rằng bất kỳ sự tăng trưởng tài sản nào cũng có thể mong manh”, một báo cáo của Moody’s Analytics nhận định.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm thời gian gần đây, khi triển vọng kinh tế Mỹ tốt lên. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây dự báo khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới chỉ còn 15%, từ mức 35% trước đó. Kỳ vọng kinh tế Mỹ có được một cuộc “hạ cánh mềm” - với lạm phát giảm mà kinh tế không suy thoái - đang tăng lên.
“Tôi cảm thấy rất ổn với dự báo đó. Tôi cho rằng chúng ta sẽ đi theo hướng đi chính xác là như vậy”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với hãng tin Bloomberg vào cuối tuần vừa rồi.
Nhưng dù nền kinh tế cải thiện, cử tri Mỹ vẫn không đánh giá cao chính sách của Nhà Trắng. Trong một cuộc khảo sát được CNN công bố kết quả vào tuần trước, 58% cử tri được hỏi nói rằng chính sách của Tổng thống Joe Biden khiến cho tình hình kinh tế Mỹ xấu đi. Tỷ lệ này tăng từ mức 50% cùng thời điểm này năm ngoái.
Tương tự, 63% cả tri không hài lòng với cách mà ông Biden xử lý vấn đề lạm phát - theo kết quả một cuộc khảo sát được tờ Wall Street Journal công bố hôm thứ Hai.
Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy một bộ phận người Mỹ đang gặp khó khăn tài chính. Dù tổng tài sản của người Mỹ lập kỷ lục mới trong quý 2, dư nợ thẻ tín dụng ở nước này cũng lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD - theo dữ liệu từ Fed New York. Số vụ vỡ nợ thẻ tín dụng và nợ vay mua ô tô đã vượt mức trước đại dịch Covid-19, trong đó hãng bán lẻ Macy’s lên tiếng cảnh báo về số khách hàng trễ hạn thanh toán nợ thẻ tín dụng tăng mạnh.
CEO Marc Rosen của hãng bán lẻ JCPenny mới đây tiết lộ với CNN rằng lực lượng khách hàng lõi của hãng, là các gia đình thuộc tầng lớp lao động, đang phải dựa vào nợ thẻ tín dụng ngày càng nhiều, trễ hạn thanh toán ngày càng nhiều, và đang có xu hướng chuyển sang mua hàng của những thương hiệu tư nhân có mức giá rẻ hơn.
“Khách hàng của chúng tôi là các gia đình lao động Mỹ, như giáo viên, công nhân xây dựng, nhân viên y tế… Họ đang ở trong một môi trường kinh tế khó khăn”, ông Rosen nói.