UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn về phương thức và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo UBND thành phố, hiện thành phố đang triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết 15 năm 2023 của HĐND thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và nghiên cứu các quy định liên quan, Thành phố gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật.
Cụ thể, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng phương thức khai thác, sử dụng tạm chưa được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 33/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngoài ra, đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm lòng đường, hè phố ở địa bàn chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Vì vậy, thành phố muốn được hướng dẫn là đơn vị được giao quản lý có phải lập đề án khai thác, trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi cấp phép hay không.
Vì vậy, UBND thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn về phương thức khai thác và lập Đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Trước đó, HĐND thành phố ban hành mức phí cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, hiệu lực từ đầu năm 2024. Các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng phí, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị...
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Đối với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm, giữ xe máy, xe môtô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe...
Bên cạnh đó, toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Mặc dù quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2024, song đến nay các địa phương vẫn chưa ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ, chưa lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.