October 22, 2024 | 14:39 GMT+7

TP.HCM công bố bảng giá đất mới, áp dụng đến hết năm 2025

Ban Mai -

Bảng giá đất mới vừa được UBND TP.HCM ban hành sẽ được áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Giá đất cao nhất hơn 687 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm quận 1…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 79/2024 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố (Quyết định 79/2024). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

GIÁ ĐẤT CAO NHẤT 687 TRIỆU ĐỒNG/M2

Theo bảng giá đất mới điều chỉnh của TP.HCM, giá đất ở  tăng khoảng 03-38 lần so với giá đất ở được quy định tại Quyết định 02/2020 (chưa nhân với hệ số K – hệ số điều chỉnh giá đất).

Tại quận 1, bình quân giá đất được điều chỉnh tăng hơn 03 lần tới hơn 05 lần so với bảng giá đất cũ.

Trong đó, giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi có mức giá mới 687,2 triệu đồng/m2, tăng hơn 03 lần so với bảng giá cũ. 

Tại quận 3, bình quân giá đất tăng 2,3 lần tới 5,6 lần. Giá đất mới cao nhất 305 triệu đồng/m2 tại một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai và đoạn đường Hai Bà Trưng.

Tại TP. Thủ Đức, bình quân giá đất tăng từ 4,5 lần đến 25 lần. Giá đất cao nhất là 295 triệu đồng/m2 tại các đoạn đường Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Cơ Thạch.

TP. Thủ Đức cũng được bổ sung giá đất tại hàng loạt tuyến đường mới, từ 33 triệu đồng tới 163 triệu đồng/m2.

Tại quận 4, bình quân giá đất tăng từ hơn 06 lần đến 8,2 lần. Giá đất mới cao nhất là 246 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Hoàng Diệu.

Tại quận 5, bình quân giá đất tăng từ 3,3 lần đến 5,5 lần. Giá đất mới cao nhất là 260 triệu đồng tại đoạn đường An Dương Vương.

Tại quận 6, bình quân giá đất tăng từ 03 lần đến 08 lần. Giá đất cao nhất là 226 triệu đồng/m2 tại tuyến đường Trần Bình.

Tại quận 7, bình quân giá đất tăng từ mức 5,5 lần tới hơn 11 lần so với bảng giá đất cũ. Mức giá đất cao nhất là tuyến đường Nguyễn Thị Thập và một đoạn đường Nguyễn Văn Linh 145 triệu đồng/m2.

Khu vực quận 7 có những tuyến đường mới được bổ sung giá đất, như: khu dân cư phía Nam Rạch Bà Bướm, khu dân cư City Land… đa số đều có mức giá 48,6 triệu đồng/m2.

Tại quận 8, giá đất tăng từ hơn 05 lần đến hơn 17 lần. Mức tăng cao nhất là trong khu dân cư mới phường 7, tăng 17,25 lần, từ mức 04 triệu đồng/m2 lên mức 73 triệu đồng/m2. Mức giá đất cao nhất là đường Dương Bá Trạc 160 triệu đồng/m2, tiếp đến là Âu Dương Lân 145 triệu đồng/m2.

Tại quận 10, giá đất tăng từ 3,3 -5,3 lần. Giá cao nhất nằm trên đoạn đường 3 tháng 2 có mức giá từ 245 triệu đồng/m2.

Tại quận 11, bình quân giá đất tăng từ 3,6 lần đến 56,2 lần. Giá đất cao nhất là 210 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Lý Thường Kiệt.

Tại quận 12, bình quân giá đất tăng từ 08 lần đến 13 lần. Giá đất cao nhất là 101 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Phan Văn Hớn.

Quận 12 cũng được bổ sung giá đất tại nhiều tuyến đường mới có mức giá từ 23 – 70 triệu đồng/m2.

Tại quận Tân Bình, bình quân giá đất tăng từ 4,5 lần đến gần 09 lần. Giá đất cao nhất là 224 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Lý Thường Kiệt.

Tại quận Phú Nhuận, bình quân giá đất tăng từ 4,6 lần đến 8,4 lần. Giá đất cao nhất là 272 triệu đồng/m2 tại tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi.

Tại quận Bình Tân, bình quân giá đất tăng từ 6,5 lần đến 13 lần. Giá đất cao nhất là 105 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Kinh Dương Vương.

Quận Bình Tân cũng được bổ sung giá đất tại những tuyến đường mới có giá từ 23,7 triệu đồng- 90,7 triệu đồng/m2.

Tại quận Tân Phú, bình quân giá đất tăng từ 5,5 lần đến 12,6 lần. Giá đất cao nhất là 129 triệu đồng/m2 tại tuyến đường Lũy Bán Bích.

Tại quận Gò Vấp, bình quân giá đất tăng từ 4,7 lần đến 8,8 lần. Giá đất cao nhất hơn 133 triệu đồng/m2 tại đoạn đường Quang Trung.

Tại huyện Hóc Môn, một số tuyến đường cũng tăng nhiều lần so với bảng giá đất cũ. Chẳng hạn, đoạn đường Song Hành quốc lộ 22 tăng gần 38 lần so với giá trước đây, từ mức 780.000 đồng/m2 lên mức 30,3 triệu đồng/m2.

Tại huyện Cần Giờ, giá đất ở thấp nhất TP.HCM với mức 2,3 triệu đồng/m2 ghi nhận tại Khu dân cư Thiềng Liềng, nhưng cũng tăng 12,5 lần so so với mức giá cũ...

GIÁ ĐẤT NÔNG NGHIỆP TĂNG NHẸ

Về giá đất nông nghiệp tại TP.HCM, theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, đã được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho ngành sản xuất nông nghiệp thành phố ổn định và phát triển đảm bảo chiến lược về an ninh lương thực thực phẩm.

Theo đó, giá đất nông nghiệp được phân làm 03 khu vực và 03 vị trí:

Khu vực 01 gồm: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận.

Khu vực 02 gồm: quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức. Khu vực 03 gồm: huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

Giá đất nông nghiệp được điều chỉnh bằng cách lấy giá đất nông nghiệp theo quyết định 02/2020 nhân (x) với hệ số từ 2,5 - 2,7. Theo đó, giá đất nông nghiệp chỉ tăng nhẹ so với giá cũ.

Đối với giá đất thương mại, dịch vụ, cũng được điều chỉnh giảm so với quy định cũ, nhưng không thấp hơn đất trồng cây lâu năm cùng khu vực, vị trí.

Thí dụ, giá đất thương mại, dịch vụ tại đường Đồng Khởi điều chỉnh mới có giá thuê là xấp xỉ 550 triệu đồng/m2 nhân với tỷ lệ phần trăm 0,25% - 3% (chờ quyết định của UBND TP.HCM), trong khi so với bảng giá theo Quyết định 02/2020 thì có giá hơn 09 triệu đồng/m2.

Tương tự, giá đất sản xuất kinh doanh (bao gồm cả đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp); đất quốc phòng, an ninh; đất công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; đất phi nông nghiệp khác... cũng được điều chỉnh giảm.

 

Điều khoản chuyển tiếp: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate