June 07, 2021 | 19:47 GMT+7

TP.HCM đã khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh

Minh Tâm -

Bằng việc quyết liệt áp thực hiện giãn cách xã hội, TP.HCM đã khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng….

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đánh giá các chuỗi lây nhiễm  tại thành phố đã từng bước được khống chế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đánh giá các chuỗi lây nhiễm tại thành phố đã từng bước được khống chế.

Ngày 7/6/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các Sở - ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức và các thành viên của ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đánh giá diễn biến dịch, hiệu quả của việc giãn cách xã hội toàn thành phố trong 7 ngày qua.

GIÃN CÁCH LÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN

Đánh giá cao công tác triển khai phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM trong những ngày đầu thực hiện giãn cách, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, về cơ bản thành phố đã kiểm soát được các nguồn lây lan ra cộng đồng. Điều đó khẳng định quyết định giãn cách của thành phố là kịp thời và đúng đắn.

Từ ngày 26/5/2021 đến nay, có 362 trường hợp nhiễm Covid-19 có liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

"Thống kê cho thấy, 10 ngày trở lại đây, có 5 ngày đầu bình quân mỗi ngày có 37 ca bệnh, 5 ngày trở lại đây 31 ca/ngày. Như vậy số lượng ca nhiễm mới có giảm nhưng chưa nhiều và vẫn trong khả năng kiểm soát. Do đó thành phố cần chú ý hơn trong thời gian tới", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện nay số lượng người cách ly cao, số chỗ trong các cơ sở cách ly tại địa phương cũng sắp hết, một số ca dương tính chưa tìm được nguồn lây và nguy cơ còn tiềm ẩn ngoài cộng đồng. Do vậy, các ngành, các cấp không được chủ quan lơ là.

“Cụ thể, đối với việc cách ly, cần xây dựng các phương án dự phòng, tăng cường thêm 30-40% để không bị động; có hình thức cách ly phù hợp cho các đối tượng “F” khác nhau, bảo đảm an toàn và chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Thận trọng trong mỗi quyết định, chỉ thị để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nên nhấn mạnh.

 
"Cần lưu ý đảm bảo việc thực hiện “Mục tiêu kép”, sản xuất kinh doanh cần an toàn nhưng không cứng nhắc, có thể nới rộng sản xuất khi đã kiểm soát được dịch bệnh".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên

Hiện tại, dịch đã lây lan đến nhiều bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất.., là những nơi có nguy cơ lây nhiễm nhanh, cần nhanh chóng tìm giải pháp phòng ngừa lây nhiễm; siết chặt công tác điều tra truy vết giám sát sàng lọc đối với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính chính xác, ngăn ngừa việc nhận định sai hướng, dẫn đến mất thời gian trong việc xác định nguồn lây bệnh.

Các quận huyện và TP. Thủ Đức cần tổ chức kiểm tra ngay các phương án sản xuất an toàn tại một số khu sản xuất, công nghiệp để kịp thời chia sẻ và phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.

ĐÃ KHỐNG CHẾ TỐC ĐỘ LÂY LAN

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho rằng: việc thực hiện giãn cách xã hội là quyết định rất khó khăn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố phải chấp nhận hy sinh lợi ích trong ngắn hạn để đảm bảo sự an toàn của người dân.

Thời gian cao điểm dịch ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, sau 7 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hằng ngày đang có dấu hiệu giảm dần. Hiện tại, còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.

 
Trong đợt dịch thứ 4 này, thành phố có 3 chuỗi lây nhiễm, trong đó chùm ca bệnh liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng là nghiêm trọng nhất. Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài và lây qua nhiều chu kỳ. Trong đó, chuỗi ca nhiễm liên quan là quán cà phê Trung Nguyên đã lây qua 5 chu kỳ.

Từ ngày 31/5, bắt đầu ghi nhận ca bệnh đã được cách ly và đã có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đã từng bước được khống chế. Mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng biện pháp giãn cách xã hội khiến việc tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng nhấn mạnh việc tăng cường vận động, yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế nếu có yếu tố nguy cơ là hết sức cần thiết nhằm phát hiện và kiểm soát kịp thời, không để lây lan rộng.

TIẾP TỤC TRIỆT ĐỂ THỰC HIỆN GIÃN CÁCH

Hiện tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ngày 7/6 là ngày thứ 25 liên tiếp Việt Nam có số ca nhiễm 3 con số. Lũy kế từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 5.562 ca nhiễm tại 39 tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số ca nhiễm đứng thứ tư cả nước và dự báo vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và cộng đồng.

Trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn Thành phố để chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương tiếp tục đánh giá tính hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội, nếu cần thiết thì có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức siết chặt các quy định phòng chống dịch tại công sở. Thực hiện giãn cách triệt để chợ truyền thống và chợ đầu mối, thiết lập các chốt kiểm dịch tại các chợ này.

 
Ngành y tế huy động tổng lực lượng để hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất để bố trí làm cơ sở cách ly tập trung, có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống, không để thiếu cơ sở cách ly. Đồng thời, cần triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch trong khu cách ly.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phải siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, xí nghiệp. Các quận, huyện cần kiểm tra việc thực hiện các cam kết phòng chống dịch tại các cơ sở lao động và kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Giám sát, nhắc nhở các phòng mạch, nhà thuốc tư nhân phối hợp chặt chẽ với trạm y tế khi phát hiện người có dấu hiệu dịch để tầm soát. Cơ sở nào vẫn vi phạm thì áp dụng biện pháp mạnh như rút chứng chỉ hành nghề.

Ban tôn giáo thành phố cần tăng cường kiểm tra, quản lý các hội, nhóm, điểm hoạt động tôn giáo; vận động, nhắc nhở các tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Người đứng đầu TP.HCM cũng kêu gọi người dân thành phố có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… phải chủ động liên hệ cơ sở y tế để được xét nghiệm tầm soát dịch bệnh, tuyệt đối không chần chừ, do dự. Những người dân có bệnh nền như ung thư, thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hệ miễn dịch suy yếu… cần ở nhà toàn thời gian và chỉ ra ngoài khi phải đến cơ sở y tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate