Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống y tế TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại tiếp cận trình độ công nghệ thế giới.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu đưa TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, TP.HCM quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của ngành y tế đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung và hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Đồng thời, phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; hình thành và phát triển Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược của TP.HCM. Cùng với đó là phát triển kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng.
“Thành phố sẽ phát triển thêm các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế”, Đề án nêu rõ.
Về chỉ tiêu cụ thể, giai đoạn từ nay đến 2030 phấn đấu tuổi thọ trung bình đạt 77,0 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ bác sĩ đạt 23 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ điều dưỡng đạt 40 điều dưỡng/10.000 dân, tỷ lệ giường bệnh đạt 42 giường/10.000 dân; tổng tỷ suất sinh đạt 1,6; mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh 1 lần một năm,mỗi người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, việc triển khai Đề án sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN." Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng thời, việc hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu sẽ góp phần phát triển du lịch y tế, TP.HCM không chỉ là điểm đến về khám chữa bệnh của người dân trong nước mà còn của các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc hình thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giúp góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực y tế các địa phương khu vực phía Nam, hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM về tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn đã và đang ứng dụng công nghệ thông minh.
Đặc biệt là trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, cụ thể như: Phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci tại Bệnh viện Bình Dân; ứng dụng máy học trong hệ thống nhắc kê đơn hợp lý và Hệ thống cảnh báo tài chính tại Bệnh viện Nhi đồng 1; AI RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ tại Bệnh viện Nhân dân 115; nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật học máy với các thuật toán AI tạo ra mô hình tối ưu để chẩn đoán sớm thể viêm ruột thừa có biến chứng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định;….