Ngày 19/9, kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo đó, 5 dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028, phần vốn nhà nước tham gia từ nay đến năm 2025 là hơn 8.300 tỉ đồng. Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc – Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, 5 dự án BOT trên đường hiện hữu có tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, mở rộng Quốc lộ 1 dài 9,6km, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng; mở rộng Quốc lộ 13 dài gần 6km, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng; mở rộng Quốc lộ 22 dài 9,1km, tổng mức đầu tư khoảng 7.173 tỷ đồng.
Hai dự án còn lại là nâng cấp trục đường Bắc - Nam dài 8km, với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng; xây dựng cầu đường Bình Tiên dài 3,2km, với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT là một trong những cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.
HĐND TP.HCM giao UBND thành phố ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện các dự án nêu trên, đảm bảo đúng kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác liên quan.
Theo UBND TP.HCM, dự án áp dụng loại hợp đồng BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn ngân sách thành phố còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đánh giá nhu cầu, tính cấp thiết đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách để định kỳ 6 tháng tham mưu UBND trình HĐND TP.HCM xem xét, ban hành danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện.
Đồng thời, UBND thành phố phải thực hiện thông tin công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát.
Vừa qua, thành phố đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác năm dự án áp dụng loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng.
Trong đó có dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1); dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc); dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn)…
Các dự án khi hoàn thành giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.