May 25, 2023 | 09:56 GMT+7

TP.HCM đề xuất cấm hẳn xe giường nằm vào nội thành

Hoài Niệm -

Sau hơn 4 tháng kể từ ngày 10/01/2023 áp dụng cấm xe khách giường nằm vào nội thành trong khung giờ 6h sáng đến 10h đêm hàng ngày, mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã kiến nghị Thành phố cấm hẳn 24/24h đối với xe giường nằm vào nội thành...

Sau hơn 4 tháng cấm xe giường nằm vào nội thành kể từ ngày 10/01/2023, đến nay Sở GTVT TP.HCM kiến nghị sẽ cấm hẳn 24/24h xe giường nằm vào nội thành.
Sau hơn 4 tháng cấm xe giường nằm vào nội thành kể từ ngày 10/01/2023, đến nay Sở GTVT TP.HCM kiến nghị sẽ cấm hẳn 24/24h xe giường nằm vào nội thành.

Để có cơ sở báo cáo chính thức Ủy ban nhân dân TP.HCM, Sở Giao thông vận tải Thành phố đã gửi dự thảo kiến nghị đến các sở, ngành, các quận huyện xin ý kiến đóng góp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 30/5 sắp tới.

Từ tháng 8/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã triển khai kế hoạch từng bước hạn chế xe khách, xe giường nằm vào trung tâm thành phố vào các khung giờ nhất định, cụ thể từ 6h – 22h hàng ngày. Đối với các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành.

Mục đích là nhằm hạn chế xe “dù”, bến “cóc”, bảo đảm an ninh trật tự đô thị thành phố, từng bước giải quyết và đi đến khắc phục triệt để tình trạng kẹt xe nội thành tại các điểm đón/trả khách cũng như lộ trình lưu thông của xe khách, xe giường nằm.

Ngày 10/01/2023, thành phố áp dụng cấm tất cả xe giường nằm vào nội thành từ 6h – 22h hàng ngày. Hành lang hạn chế khách, cấm xe giường nằm như sau: Quốc lộ 1 đoạn đi qua Bình Chánh, Bình Tân, Q.12 và TP.Thủ Đức – đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn qua Bình Chánh, Q.7 - đường Võ Chí Công (Thủ Đức) - đường Đồng Văn Cống (Thủ Đức) - đường Mai Chí Thọ (Thủ Đức) - xa lộ Hà Nội (Thủ Đức).

Theo nhận xét của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến nay sau hơn 4 tháng áp dụng kế hoạch hạn chế, cấm xe giường nằm theo khung giờ nói trên, tình hình giao thông đô thị ở khu trung tâm thành phố đã ổn định hơn. Các tài xế, chủ xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đã chấp hành phương án điều chỉnh của Thành phố.

Tuy nhiên, ngay từ lúc triển khai cấm xe giường nằm vào nội thành, đã có tình trạng nhà xe, giới tài xế bắt đầu lách luật. Nhiều nhà xe đã lách luật bằng cách chuyển thời gian hoạt động từ ban ngày sang ban đêm, cho xe dừng đậu đọc đường chờ hết khung giờ cấm thì vào nội thành đón khách…

Hành lang cấm xe giường năm vào nội thành TP.HCM theo khung giờ từ 6h - 22h hàng ngày kể từ ngày 10/01/2023.
Hành lang cấm xe giường năm vào nội thành TP.HCM theo khung giờ từ 6h - 22h hàng ngày kể từ ngày 10/01/2023.

Khu vực ghi nhận có nhiều nhà xe, tài xế cho xe đón khách vào ban đêm ngoài khung giờ cấm là địa bàn TP. Thủ Đức thuộc các tuyến đường quốc lộ 1 (ngã tư Bình Phước, ngã tư Ga,…), xa lộ Hà Nội… Việc dừng đỗ đón khách này không có bến bãi cụ thể mà thường “di động” nên gây cản trở giao thông và nguy hiểm do ban đêm các loại xe thường chạy tốc độ cao.

Ngoài ra, sau hơn 4 tháng triển khai, Sở Giao thông vận tải Thành phố ghi nhận cũng phát sinh các bến “cóc” tại các tuyến hành lang, đường vành đai, như: Khu vực đường trục chính Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc; trạm xăng dầu Tam Bình, trạm xăng dầu Hùng Nghĩa trên đường quốc lộ 1 đoạn qua khu vực TP. Thủ Đức; các bãi xe số 39 tại giao lộ quốc lộ 1 - đường số 7 - đường số 18, bãi xe đối diện số 13 đường Lê Cơ (quận Bình Tân), và một số khu vực ngoại thành khác...

Nhà xe đã sử dụng xe trung chuyển để vận chuyển hành khách về các điểm tập kết, bến “cóc” này gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông chung và hoạt động của các bến xe trên địa bàn thành phố. Lực lượng chức năng của Thành phố đã xử lý 51 trường hợp xe giường nằm cố tình đi vào khu vực cấm và thời gian cấm.

Về phương án trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất điều chỉnh thời gian cấm xe khách giường nằm đi vào nội thành 24/24h. Khu vực được giới hạn bởi vành đai các tuyến đường, gồm: Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1.

 

Số liệu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy TP.HCM hiện có 58 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định với khoảng 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với khoảng 91.000 xe.

Có 5 bến liên tỉnh, gồm: Bến xe Miền Đông (Q. Bình Thạnh), bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức), bến xe Miền Tây (H. Bình Chánh), bến xe An Sương (Q. 12), bến xe Ngã tư Ga (Q.12).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate