Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có kế hoạch từng bước hạn chế xe khách, xe giường nằm vào trrung tâm thành phố, từ năm 2022 – 2030.
HẠN CHẾ XE “DÙ”, BẾN “CÓC” VÀO TRUNG TÂM THÀNH PHỐ
Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2022 – 2025 sẽ hạn chế xe khách giường nằm (các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành). Thời gian hạn chế từ 6h – 22h hàng ngày. Những khu vực, tuyến đường hạn chế bao gồm: Quốc lộ 1 đoạn đi qua Bình Chánh, Bình Tân, Q.12 và TP.Thủ Đức – đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn qua Bình Chánh, Q.7 - đường Võ Chí Công (Thủ Đức) - đường Đồng Văn Cống (Thủ Đức) - đường Mai Chí Thọ (Thủ Đức) - xa lộ Hà Nội (Thủ Đức).
Giai đoạn 2, từ năm 2025 – 2030 sẽ hạn chế xe khách trên 30 chỗ, trừ các loại xe như buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi Thành phố ban hành.
Việc hạn chế này, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhằm hạn chế xe dù, bến cóc lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Đặc biệt thành phố sẽ hạn chế tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe, dọc đường,… tại 107 điểm có tình hình phức tạp liên quan đến xe khách trên toàn địa bàn.
Song song, việc hạn chế xe vào trung tâm nhằm giảm diện tích chiếm dụng mặt đường, tăng vận tốc lưu thông bình quân của các phương tiện xe so hiện nay tại khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, còn góp phẩn bảo đảm mỹ quan đô thị khu vực trung tâm thành phố.
Về mặt quản lý, Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, việc hạn chế xe khách giường nằm, xe khách từ 30 chỗ sẽ giúp hệ thống lại, “số liệu hóa” số lượng và hoạt động của những xe này do thành phố sắp tới chỉ cho phép xe trung chuyển đưa đón vào trung tâm, còn xe giường nằm, xe khách từ 30 chỗ chỉ nhận/trả khách tại sáu bến đỗ quy định.
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến 2025 sẽ tạo điều kiện cho xe khách (không giường nằm) vận chuyển học sinh, sinh viên, công nhân, khách du lịch, xe hợp đồng và một số trường hợp đặc biệt hay xe công vụ khác vào trung tâm thành phố. Giai đoạn từ 2022 – 2030 sẽ tạo điều kiện cho xe khách dưới 30 chỗ lưu thông vào trung tâm thành phố.
Các địa phương quận, huyện có các tuyến xe này hoạt động tổ chức xây dựng các bến đỗ phù hợp với kế hoạch chung của Thành phố. Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải, du lịch,… cũng có kế hoạch xây vận chuyển phù hợp với quy hoạch, phương án chung.
VẤN NẠN NHỨC NHỐI VÀ NHIỀU GIẢI PHÁP MỚI
Trước đó, vào tháng 6/2021, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có ý kiến về phương án tổ chức giao thông đối với xe khách giường nằm trên địa bàn TP.HCM.
Theo phương án của Trung tâm quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ lúc bấy giờ đề xuất, sẽ cấm xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô thành phố. Vành đai hạn chế xe giường nằm được giới hạn bởi các tuyến đường: Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội. Các tuyến đường trên vành đai này được phép lưu thông bình thường.
TP.HCM tập trung rất nhiều hoạt động vận tải xe “dù”, bến “cóc” (dừng đỗ không theo quy định, đón khách dọc đường,…) ở hầu hết các quận, huyện, nhất là các quận nội thành Q.1, Q.5, Q.10, Q. Tân Phú, Q. Tân Bình, Q. Bình Thạnh… Tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định nhất là trên các tuyến đường có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô diễn ra rất phức tạp, thường xuyên gây ảnh hưởng giao thông.
Thành phố đã lập ra nhiều đoàn kiểm tra, tuần tra xử lý, lắp biển báo cấm dừng đỗ, đón trả khách nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng xe “dù”, bến “cóc” do hoạt động của nhiều doanh nghiệp vận tải, du lịch ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm, vị trí đón/trả khách,…
Tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bổ sung giải pháp mới để quản lý xe hợp đồng, nhằm xóa xe “dù”, bến “cóc”.
Điều 7 của Nghị định 10 (Kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng) quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết (Điểm d, khoản 3).
Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau (Điểm b, khoản 2).
Khoản 7 của điều 7 cũng nói rõ: Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
Nghị định 10/2022 quy định rõ, bắt đầu từ ngày 01/01/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định nhất là trên các tuyến đường có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô diễn ra rất phức tạp, thường xuyên gây ảnh hưởng giao thông.