Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân Thành phố về kế hoạch khai giảng năm học mới với nhiều kịch bản, phương án khác nhau phù hợp cho các cấp học, tùy theo tình hình và diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Nếu kế hoạch này được thông qua, thời gian dự kiến bắt đầu năm học sẽ trễ hơn khoảng hai tuần so với kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trước đó.
Riêng đối với bậc tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết phương án dạy học trực tuyến được xây dựng theo hướng tăng cường việc dạy học theo chủ đề, xây dựng những nội dung cốt lõi, có thể giảm yêu cầu cần đạt được phù hợp theo từng khối lớp. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục Thành phố là hầu hết trường học đã được trưng dụng làm khu cách ly hoặc điều trị dã chiến Covid-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang thống kê các trường học được làm nơi cách ly, điều trị, tiêm vaccine, mốc thời gian bàn giao để chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn,… cho năm học mới.
TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với nhiều tỉnh/thành phía Nam, bởi làn sóng thứ 4 dịch Covid-19. Công tác tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh vào lớp 6 Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa đã phải thay đổi phương án từ thi tuyển qua xét tuyển. Việc tuyển sinh đầu cấp tại TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng phải hai lần dời thời gian hoàn tất và đến nay dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 19/8.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hỗ trợ Thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch, chủ động trong thực hiện chương trình. Có thể dạy học trực tuyến, bám sát khung chương trình, các chủ đề theo chương trình phổ thông mới; trong đó có thể giảm nhẹ các yêu cầu trong thời gian học tập trực tuyến,...
Tại hội nghị trực tuyến ngành giáo dục toàn quốc chiều ngày 12/8/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý, năm học mới sẽ diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, cần phải nhận định thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức.
Về kế hoạch năm học mới, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần triển khai kế hoạch linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các địa phương cần vận dụng linh hoạt khung kế hoạch năm học, tận dụng “thời gian vàng” dịch bệnh được kiểm soát để dạy trực tiếp.
Toàn TP.HCM hiện có hơn 1,74 triệu học sinh mầm non và phổ thông sẽ bước vào năm học mới. Việc tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (công lập) đã hoàn thành. Công tác tuyển sinh đầu cấp ở các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đang được các quận, huyện, TP. Thủ Đức tiến hành, dự kiến hoàn tất trước ngày 19/8.
Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2021 - 2022, tổng số học sinh trên địa bàn TP.HCM nhiều khả năng sẽ giảm so với năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến dao động ở mức 1,5 triệu học sinh.
Trước đó, ngày 4/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021 - 2022, trong đó nêu thời gian tựu trường với học sinh lớp 1 là 23/8 và các lớp còn lại là 1/9. Các địa phương dựa vào khung này để đưa ra kế hoạch riêng phù hợp với thực tiễn.
Tính đến sáng ngày 13/8, cả nước đã có 23 tỉnh, thành công bố lịch khai giảng năm học mới là: Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Ninh Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hòa Bình, Bình Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Lào Cai, Gia Lai, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hà Giang. Theo đó, lịch tựu trường là ngày 01/9 (trừ khối lớp 1 là 23/8) và khai giảng chính thức là ngày 05/9.