TP.HCM có lượng tiêu thụ thực phẩm từ gia súc lớn, trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 10.000 – 11.000 con heo, trong đó giết mổ tại Thành phố chiếm khoảng 5.000 – 6.000 con, khoảng 2.000 con được vận chuyển từ địa bàn khác, số còn lại là lượng heo đông lạnh.
Trong xu hướng phát triển đô thị hoá, công nghiệp hóa và định hướng tăng giá trị xuất khẩu của hàng hóa nông nghiệp, ngành nông nghiệp Thành phố từng bước có định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của các cơ sở từ giết mổ thủ công sang giết mổ công nghiệp tập trung.
TP.HCM đã ban hành Quyết định số 231/QĐ-UBND của UN|BND về việc gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công hiện hữu thì kể từ ngày 1/4/2023 các cơ sở giết mổ thủ công sẽ phải ngưng hoạt động để chuyển vào các nhà máy giết mổ công nghiệp.
Nhiều nhà máy trên địa bàn Thành phố đã được xây dựng với dây chuyền hiện đại, tiên tiến, điều kiện vệ sinh thú y được nâng cao, chất thải và nước thải sau khi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của một số đơn vị đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp thì dù thời hạn đã cận kề nhưng số thương lái đăng ký chuyển sang giết mổ công nghiệp chưa nhiều, vẫn còn tình trạng heo giết mổ thủ công ở các địa phương quay về thành phố tiêu thụ. Một số khu vực “điểm nóng” về giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy phép trên địa bàn Thành phố vẫn còn hoạt động.
Một trong những cơ sở giết mổ gia súc lớn được đầu tư là Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ (huyện Củ Chi). Nhà máy có công suất giết mổ 3.000 con heo/ngày và sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, dự kiến nhà máy sẽ không thể đạt công suất đã đề ra, nguy cơ công suất chỉ bằng 1/5 thiết kế.
Theo ông Lê Văn Thành, Quản lý nhà máy, đại diện Công ty An Hạ, nhà máy đi vào hoạt động với giá thành chỉ bằng chi phí đầu tư cộng với chi phí vận hành. Hiện nay, chi phí giết mổ tại nhà máy công nghiệp ở khoảng 100.000 - 120.000 đồng/con so với giết mổ thủ công chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/con.
Liên quan vấn đề này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu. Tuy nhiên, thời gian đầu khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công chuyển sang chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp, sẽ khó tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh.
“Một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp do còn nghi ngại như chi phí cao, quầy thịt không đẹp, không được giám sát trực tiếp các công đoạn giết mổ... Tuy nhiên, khả năng cao là họ sẽ quay lại chuyển vào giết mổ tại các nhà máy giết mổ công nghiệp. Nguồn thịt heo được giết mổ tại Thành phố vẫn có nhiều lợi thế, nhất là rất gần nơi tiêu thụ, khả năng đưa sản phẩm vào chợ đầu mối, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị... thuận tiện hơn, định hướng xuất khẩu sau này”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Nói về một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết các chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp đã được khuyến khích trong việc cung cấp những chính sách hỗ trợ ban đầu nhằm tạo điều kiện cho các thương lái đưa gia súc vào giết mổ như giảm giá chi phí giết mổ, cho phép chủ gia súc tham quan, giám sát việc thực hiện giết mổ tại nhà máy. Điều này góp phần tăng công suất giết mổ, chi phí sẽ giảm dần, từ đó ngày càng thu hút lượng heo từ các tỉnh đưa về.
Ngoài ra, thời gian tới TP.HCM sẽ cung cấp những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo từ năm 2023 trở đi các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80 - 100% công suất. Thành phố cũng đã đề xuất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công.