Nguồn kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi này ước tính trên 13.800 tỷ đồng, được thực hiện từ nay đến năm 2030 và những năm sau.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay toàn thành phố có tổng cộng 2.089 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 buýt dùng nhiên liệu sạch là khí hóa lỏng CNG và 15 buýt điện (tuyến D4).
Lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ chuyển đổi 395 xe buýt nhiên liệu sạch, nâng tổng số buýt xanh lên 899 xe, chiếm khoảng 36% tổng xe buýt hiện có. Kế hoạch đến năm 2030 sẽ chuyển đối trên 1.800 xe, đạt khoảng 73%. Riêng huyện Cần Giờ được quy hoạch là “đô thị sinh thái xanh”, nên thành phố ưu tiên thí điểm 100% xe buýt điện, không sử dụng xe động cơ đốt trong.
Kinh phí đầu tư trang bị mới xe buýt điện khoảng 9.559 tỷ đồng cho 3 kích cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá mỗi xe vào khoảng 4 – 7 tỷ đồng/xe. Đồng thời, dự án chuyển đổi cũng dự trù kinh phí trợ giá cho các tuyến hiện hữu và tuyến đầu tư mới khoảng 4.240 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí đầu tư cho dự án hơn 13.800 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, dự án chuyển đổi xe buýt dùng năng lượng xanh và buýt điện đến nay đang tiếp tục chờ lấy ý kiến các sở, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện, trình Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt. Hiện kế hoạch đang còn vướng ở đơn mức định giá xe điện làm cơ sở đấu thầu các bước kế tiếp.
Sở Giao thông vận tải Thành phố cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM xây dựng và ban hành định mức đơn giá cho buýt điện để làm cơ sở đấu thầu đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Và trong thời gian chờ ban hành, kiến nghị thành phố cho phép áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng đối với các tuyến xe buýt điện.
Về số lượng trạm nạp tiếp nhiên liệu CNG, theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, hiện toàn thành phố chỉ có 3 trạm nạp CNG phục vụ cho 489 buýt CNG đang hoạt động. Theo lộ trình chuyển đổi trên thì thành phố cần phải đầu tư thêm trạm nạp nhiên liệu phù hợp theo lộ trình; cụ thể đến năm 2025 sẽ đầu tư thêm 71 trạm nạp và đến năm 2030 sẽ lắp thêm 320 trạm nạp.
Đối với buýt điện, ngành giao thông thành phố cũng xây dựng kế hoạch và kiến nghị thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cung ứng nguồn điện cho các trạm sạc.
Mục tiêu của Bộ Giao thông vận tải là đến năm 2030 sẽ giảm 90% phát thải, đồng thời tỷ lệ giao thông công cộng đạt 25%. Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM chưa đặt ra thị phần đối với việc phát triển giao thông điện. Hạ tầng sạc pin cho xe điện tại TP.HCM đến nay còn sơ khai, hiện chỉ có hãng Vinfast đang triển khai 29 trạm sạc điện ô tô.
Tại tại hội thảo tham vấn “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TP.HCM”, do Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức vào tháng 5/2022, các chuyên gia đã nêu rõ việc chuyển từ phương tiện đi lại là động cơ đốt trong (sử dụng xăng, dầu diesel…) qua phương tiện giao thông điện đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và TP.HCM không nằm ngoài xu hướng chung này.
GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm tư vấn phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện, cho biết dự kiến đến năm 2030 chỉ còn 41% số lượng xe bán ra trên thế giới là xe sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là xe sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. TP.HCM là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
TP.HCM cũng dự kiến mục tiêu đến 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Tiến đến năm 2040 đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe mô tô/xe máy dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, TP.HCM sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu chung giảm phát thải, việc thay đổi hành vi và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải là thiết yếu.