December 04, 2023 | 13:46 GMT+7

TP.HCM xem xét giới hạn tốc độ xe trong nội thành 30 - 50 km/h, giới chuyên gia lên tiếng

Thiên Ân -

Trong khi TP.HCM đang xem xét và đề xuất thí điểm giới hạn tốc độ xe trong nội thành từ 30 – 50 km/h nhằm hạn chế tại nan giao thông thì giới chuyên gia cho rằng, điều đó là không cần thiết vì chỉ khiến tình trạng kẹt xe nội đo thêm gia tăng mà cũng không làm giảm tai nạn giao thông...

Mật độ lưu thông trong nội thành TP.HCM rất lớn, nên mặc dù quy định cho phép chạy 50-60 km/h, người dân chỉ chạy được trung bình 30-35 km/h mà thôi.
Mật độ lưu thông trong nội thành TP.HCM rất lớn, nên mặc dù quy định cho phép chạy 50-60 km/h, người dân chỉ chạy được trung bình 30-35 km/h mà thôi.

Tại một hội thảo được tổ chức mới đây về quản lý tốc độ giao thông, Ban An toàn giao thông TP.HCM đã đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM thực hiện việc kiểm soát tốc độ ở một số khu vực dễ gây tổn thương. Nếu được chấp thuận sẽ thực hiện thí điểm một số trường học để tổ chức khuyến cáo người dân giới hạn tốc độ khi đi qua khu vực này.

GIỚI HẠN TỐC ĐỘ TRUNG BÌNH ĐỂ HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG

Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép trong khu đông dân cư đối với ô tô, mô tô 2 và 3 bánh, xe rơ-moóc hay sơ mi rơ-moóc là 60 km/h đối với đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn trở lên, và 50 km/h đối với đường hai chiều, đường một chiều có 1 làn xe.

Mới đây, Ban An toàn giao thông TP.HCM đã có tờ trình kiến nghị trình lên Ủy ban nhân dân TP.HCM xin chủ trương thực hiện việc kiểm soát tốc độ ở một số khu vực dễ gây tổn thương. Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, nếu được lãnh đạo Thành phố chấp thuận đề xuất này, Ban An toàn giao thông TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm tại một số khu vực trường học để tổ chức khuyến cáo người dân giới hạn tốc độ khi đi qua khu vực này. Và mặc dù thừa nhận đề xuất này có thể gây phản ứng ít nhiều trong dư luận nhân dân, nó đã được triển khai ứng dụng ở một số quốc gia như Singapore, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Trong thực tế, theo khảo sát của Ban An toàn giao thông TP.HCM, hiện nay tại TP.HCM tốc độ xe cộ đi qua các khu vực như trường học, bệnh viện cũng khó đạt được 40 km/h do mật độ xe cộ nên mức độ lưu thông trung bình chỉ đạt khoảng 33 km/h.

Vì vậy, Ban An toàn giao thông TP.HCM đã đề xuất TP.HCM nên hạn chế tốc độ trong nội thị dưới 50 km/h và 30 km/h tại các khu vực dễ gây tổn thương gồm trường học, bệnh viện, chợ búa…

Trong khi đó, theo một nghiên cứu và tính toán gần đây của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), khi tốc độ lưu thông càng cao thì xác suất về tai nạn càng lớn; đồng nghĩa với việc giảm tốc độ nghĩa là giảm tai nạn, giảm thương tích. Việc giới hạn tốc độ ở mức 30 km/h sẽ bảo đảm an toàn đồng thời tỷ lệ tử vong được hạn chế ở mức thấp nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu độ trung bình tăng 10 km/h thì tỷ lệ tai nạn giao thông tăng 30%, tốc độ trung bình tăng 1 km/h thì tỷ lệ tai nạn tử vong là 2,2%.

TỐC ĐỘ GIAO THÔNG KHÔNG PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN TRỰC TIẾP GÂY TẠI NẠN

Nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình trước lập luận cho rằng tốc độ xe chạy là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông và vì vậy cần phải hạn chế tốc độ xe chạy trong nội thành, nội thị.

PGS. Nguyễn Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần có cuộc nghiên cứu, căn cứ theo số liệu thực tế để quy định giới hạn tốc độ, chẳng hạn như tính toán khu vực tai nạn giao thông xảy ra là bao nhiêu phần trăm, do tốc độ xe lưu thông hay do nguyên nhân khác… 

Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý khoảng 51.000 trường hợp vi phạm tốc độ, nhiều nhất là xe máy.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý khoảng 51.000 trường hợp vi phạm tốc độ, nhiều nhất là xe máy.

Theo PGS. Nguyễn Xuân Mai, nếu căn cứ vào số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn để khống chế tốc độ phương tiện là chưa phù hợp. Những vụ tai nạn ở TP.HCM trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân mà phần lớn do chạy ẩu, chạy lạng lách, chạy không đúng làn đường chứ không hẳn do chạy nhanh. Ngoài ra, theo ông, việc giới hạn tốc độ xe trong nội thành không những không giải quyết được vấn đề tai nạn giao thông mà còn gây ùn tắc, kẹt xe tạo ô nhiễm môi trường do khói bụi xe cộ mà ra.

Khuyến cáo cơ quan chức năng cần tính toán, phân tích kỹ việc khống chế tốc độ di chuyển của xe trong nội đô xuống 50 km/h, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM cho rằng khu vực nội đô rất ít trường hợp tai nạn do xe chạy quá tốc độ. Tại vì mật độ giao thông trong nội đô rất lớn, và mặc dù quy định cho phép xe chạy 50 – 60 km/h nhưng người dân hầu như chỉ chạy được tốc độ trung bình 30 -35 km/h mà thôi.

Không thể “đổ thừa” tốc độ trung bình xe chạy là thủ phạm gây tại nạn giao thông mà ý thức tham gia giao thông của lái xe mới quan trọng, mới là tác nhân trực tiếp gây ra hay làm hạn chế tai nạn giao thông. Ông Lê Trung Tính khẳng định như vậy.

Nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, ông Khương Kim Tạo, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng đề xuất giới hạn tốc độ tại một số vị trí ở TP.HCM là hoàn toàn phù hợp vì hiện nay hầu hết các nước đều có quy định giới hạn tốc độ cho phép trong thành phố không vượt quá 50 km/h. Tuy nhiên không có nghĩa là quy định khu vực nào cũng giới hạn tốc độ không quá 30 – 50 km/h. “Giới hạn tốc độ chỉ là hướng dẫn về mặt luật pháp, nhưng sẽ là cơ sở cho người lái xe làm chủ tốc độ tốt hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate