Nhằm thúc đẩy các giải pháp logistics bền vững, đồng hành cùng chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững của thành phố, TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2030.
Thông tin trên được bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết tại diễn đàn doanh nghiệp xanh với chủ đề “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển”, diễn ra ngày 24/9/2024.
Theo đó, TP.HCM hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với kế hoạch này, TP.HCM đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.
"Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu", bà Vân nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng trước bối cảnh "xanh hóa" toàn cầu, logistics cũng là một ngành được đánh giá có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Do đó, phát triển logistics xanh là vấn đề cấp bách cần được doanh nghiệp quan tâm. Với ngành logistics, "xanh hóa" đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo thống kê, tham gia thị trường logistics ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và Maersk Lines… Doanh nghiệp Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất mạnh như Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn là những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Các hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững.
Từ mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh, TP.HCM đã và đang phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển trên cơ sở tính chất đặc trưng vùng miền và địa lý khu vực để tìm ra hướng phát triển xanh phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, bà Catherine Trần, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee đã nhấn mạnh vai trò của năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả như là một giải pháp xanh cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về định hướng tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics, ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đề xuất các giải pháp, như: năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả; hiệu quả từ công nghệ và các giải pháp tích hợp; nhà đầu tư và nhà cung cấp giải pháp xanh.
Về pháp lý, ông Nghĩa kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải. Xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh…