Trong báo cáo mới nhất về kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng gửi Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã nêu nhận xét, đánh giá những tồn tại trong công tác quy quận tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố như vậy.
Ngày 10/11/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2747/TTCP-V.I về việc báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng từ năm 2015 đến năm 2022 do Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, báo cáo nội dung theo đề cương để báo cáo Thanh tra Chính phủ.
HÀNG LOẠT TỒN TẠI, SAI PHẠM VỀ QUY HOẠCH
Trong báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM, cơ quan này đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế trong công tác quy hoạch ở các quận, huyện của thành phố; đặc biệt, nhiều quận huyện đã không có hồ sơ gốc để đối chiếu, giải trình khi thanh tra. Hàng loạt các quận, huyện 4, 5, 6, 8, 10, 12, Gò Vấp, Tân Bình,… đã được báo cáo nhắc các thiếu sót, tồn tại trong công tác quy hoạch.
Cụ thể, đối với các quận 8 và 12, báo cáo nêu rõ, công tác lưu trữ hồ sơ chưa đảm bảo nên không có hồ sơ gốc để đối chiếu, giải trình khi thanh tra; không có đủ hồ sơ thể hiện việc phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị để đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu về sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao công trình. Ở quận 8, Thanh tra Thành phố cũng chỉ ra có đơn vị có hồ sơ không có biên bản họp hội đồng thẩm định quy hoạch quận, không có báo cáo kết quả thẩm định.
Về thành phần hồ sơ, báo cáo chỉ rõ: Có trường hợp không có hồ sơ thể hiện việc rà soát trước khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch đô thị theo điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; không lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đô thị xem xét theo khoản 1 điều 51 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Điển hình những thiếu sót nói trên là ở quận 5 với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu dân cư Liên phường 5, 6 và 10.
Ở quận Tân Bình, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ ra trường hợp phòng quản lý đô thị (Ủy ban nhân dân quận Tân Bình) thực hiện ký kết hợp đồng tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch với đơn vị tư vấn khi Uỷ ban nhân dân Thành phố chưa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu là chưa đảm bảo theo quy định tại điều 24 Luật Quy hoạch đô thị.
Ở một số phòng quản lý đô thị các quận, huyện khác chưa chưa mạnh dạn kiến nghị, đề xuất trong công tác lập quy hoạch đối với các dự án cao tầng để tạo điểm nhấn đô thị trên địa bàn quận (về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao công trình,...) nên các chỉ tiêu quy hoạch của các dự án còn thấp, chưa thu hút được đầu tư của doanh nghiệp như trường hợp quận 4. Hay như việc công khai quy hoạch cũng còn nhiều thiếu sót, như công bố mà thiếu đồ án quy hoạch (quận 12), thiếu nội dung điều chỉnh (quận Gò Vấp).
Việc cắm mốc giới, thực hiện quản lý mốc giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp các phòng quản lý đô thị chưa tham mưu ủy ban nhân dân quận tổ chức thực hiện cắm mốc giới đầy đủ theo quy định, như trường hợp đã xảy ra ở các quận 4, 5, 8, 11, 12, Tân Bình, Gò Vấp,…
Nêu nguyên nhân của việc chậm trễ trong công tác tham mưu cắm mốc giới, thực hiện quản lý mốc giới, theo Ủy ban nhân dân TP.HCM là do nhiều vị trí cần cắm mốc thuộc nhà đất của tổ chức, cá nhân; các quận, huyện gặp khó khăn trong việc vận động nhân dân vì công tác cắm mốc giới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực quy hoạch.
Về biện phải giải quyết, xử lý những thiếu sót, tồn tại nói trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM giao chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện còn các tồn tại chỉ đạo phòng quản lý đô thị cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh những hạn chế đã được đoàn thanh tra chỉ ra; giao phòng quản lý đô thị tổng hợp, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện được hết các dự án.
VI PHẠM, THIẾU SÓT TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ ĐẤT CÔNG
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc quản lý nhà nước, Thanh tra TP.HCM cũng vừa ban hành Kết luận thanh tra số 168/KL-TTTP-P8 về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước về trật tự đô thị tại Uỷ ban nhân dân quận Bình Tân thời kỳ 2021 - 2022.
Theo kết luận này, mặc dù trong quản lý trật tự đô thị, Uỷ ban nhân dân quận Bình Tân đã chấn chỉnh được nhiều khu vực buôn bán tự phát trên địa bàn, tiếp tục đề ra các giải pháp mạnh mẽ để tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị và làm đẹp cho thành phố; nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; về quản lý nhà nước về trật tự đô thị.
Một loạt sai phạm, thiếu sót của quận đã được Thanh tra Thành phố chỉ ra. Cụ thể đã để 40 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 địa chỉ của Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao quận sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt đề án, là chưa bảo đảm quy định tại khoản 2 điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; khu đất tại địa chỉ số 1756A đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố chưa đúng diện tích trong quy hoạch; chủ trương dừng cho thuê đối với 4 mặt bằng tại các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa B và An Lạc nhưng chưa báo cáo và chưa được Uỷ ban nhân dân Thành phố chấp thuận…