July 13, 2023 | 00:45 GMT+7

TP.HCM sẽ khởi công dự án cầu Cần Giờ 10.000 tỷ đồng vào năm 2025

Xuân Nghi -

Dự án cầu Cần Giờ nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, từng được dự tính đầu tư theo phương thức BT (đầu tư – chuyển giao), nay đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Phối cảnh thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ với một trụ tháp biểu tượng hình cây đước, đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Phối cảnh thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ với một trụ tháp biểu tượng hình cây đước, đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án cầu Cần Giờ trong năm 2025.

Trả lời chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, ngày 11/7/2023, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã cho biết như trên về dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ.

Theo ông Lâm, huyện Cần Giờ sở hữu vị trí thuận lợi, cảnh quang đẹp, môi trường sinh thái thân thiện. Lợi thế của Cần Giờ là du lịch, giao thông xanh. TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải Thành phố lập báo cáo phát triển Cần Giờ. Trong đó, cầu Cần Giờ có mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, trước đây được dự tính đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng, Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu các hình thức đầu tư khác, trong đó có đầu tư công.

Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, huyện biển duy nhất của TP.HCM, có tổng chiều dài dự kiến 3,6 km, quy mô 6 làn xe, độ tĩnh không thông thuyền 55 m. Dự án dự kiến sẽ được thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023 và khởi công vào cuối tháng 4/2025. Cầu sẽ được thiết kế kiến trúc dây văng một trụ tháp lấy biểu tượng hình cây đước, cây “đặc sản” của rừng ngập mặn Cần Giờ và là biểu tượng huyện Cân Giờ.

Cầu Cần Giờ là dự án trọng điểm để phát triển huyện Cần Giờ với lợi thế là du lịch, giao thông xanh. Vì vậy, Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng đã đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021 – 2025. Dự án giúp kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và khu vực lân cận; qua đó tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020. Chính quyền Thành phố ngay sau đó đã bắt tay vào việc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư,… Phương án đầu từ lúc đầu dự kiến là BT đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, sau khi có luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hình thức dầu tư BT của dự án đã dừng lại và Thành phố tính toán các phương thức đầu tư khác, bao gồm BOT, BT trả chậm bằng tiền, đầu tư công…

Hiện nay, phà Bình Khánh trên tuyến độc đạo nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ luôn quá tải. Ảnh: Hồ Lê.
Hiện nay, phà Bình Khánh trên tuyến độc đạo nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ luôn quá tải. Ảnh: Hồ Lê.

Theo kế hoạch, dự án cầu Cần Giờ có điểm đầu tại nút giao đường 15B với đường số 2 thuộc huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2 km thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Công trình cầu Cần Giờ khi hoàn thành sẽ thay thế phà Bình Khánh độc đạo đã và đang quá tải từ nhiều năm nay.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, về mặt kỹ thuật thì dự án cơ bản là xong. Hiện nay Sở Giao thông vận tải đang cùng các địa phương liên quan rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo lộ trình, dự án dự kiến sẽ trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp sắp tới vào cuối năm 2023, dự kiến khởi công vào dịp 30/4/2025.

Ngoài ra, để thúc đẩy tiến độ dự án, chính quyền Thành phố đã đề xuất cơ chế đặc thù tương tự quá trình triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đó là tách riêng khâu giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập.

Cùng với cầu Cần Giờ, để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành nơi tuyến cao tốc đi qua tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ; đồng thời các cầu vượt sông trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate