Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” vừa diễn ra, nhiều vấn đề về việc phát triển nguồn nhân lực; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới và hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đã được cử tri TP. HCM quan tâm.
TĂNG TỶ LỆ LAO ĐỘNG ĐÃ QUA ĐÀO TẠO
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. HCM, nhấn mạnh rằng chất lượng nguồn nhân lực là một vấn đề cốt lõi giúp thành phố phát triển bền vững. Thành phố đã và đang ban hành nhiều chương trình kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 87% nguồn nhân lực đã đào tạo và đến năm 2030 là 89%.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các cấp ngành và cơ quan liên quan thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp, quy hoạch cơ sở giáo dục đào tạo nghề gắn với mạng lưới giáo dục đào tạo nghề nghiệp quốc gia.
Trong đó, cần xác định những khu vực ưu tiên như: Xây dựng trường cao đẳng, trung cấp phải đảm bảo quy mô diện tích, điều kiện cơ sở vật chất phù hợp, nhất là với những ngành nghề hiện đại.
Việc đào tạo cần chú trọng các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, liên quan đến công nghệ, tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.
Ông cũng đề nghị các cấp ngành và cơ quan liên quan cần giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu để người tìm việc và nhà tuyển dụng gặp được nhau. Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan dự báo nguồn nhân lực với cơ sở dịch vụ việc làm, định hướng sớm phân luồng cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Thành phố cần xây dựng các kế hoạch cụ thể đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo; sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản tăng cơ sở giáo dục chất lượng cao và giảm sự chồng chéo.
Cùng với đó là giảm 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; trong đó giảm 40 % các trường trung cấp công lập, nâng cao tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45 %.
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện thành phố có hơn có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp với hơn 370.900 người đang theo học. Mỗi năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, kịp thời bổ sung cho thị trường lao động trong và ngoài thành phố.
Công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo thực hiện.
Các chương trình này bao gồm: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm: Lĩnh vực Công nghệ thông tin - truyền thông; lĩnh vực cơ khí - ô tô; cơ điện tử - tự động hóa; kế toán - tài chính - ngân hàng - quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch; xây dựng - môi trường - đô thị.
Với các lĩnh vực trên, thành phố đặt mục tiêu 100% người học tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Có từ 80% trở lên người học ở các ngành trọng điểm đều được kiến tập, thực tập trước khi tốt nghiệp. Có từ 80% trở lên sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
Về chỉ tiêu hội nhập quốc tế, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN có khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trên thế giới.
100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Chính sách Hội đồng nhân dân TP.HCM, cho biết thành phố xác định giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; có trách nhiệm, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thành phố cần tăng cường chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để tất cả người dân tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ. Giáo dục nghề nghiệp cần có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.
Thành phố cũng cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động. Đặc biệt, cần dự báo lao động ở các khu vực chính thức, phi chính thức; xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.