August 24, 2023 | 11:24 GMT+7

TP.HCM trình Thủ tướng đề án “siêu cảng” Cần Giờ

Thanh Thủy -

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) dự kiến khai thác từ năm 2027, tạo ra hơn 8.000 việc làm và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thành phố hàng chục ngàn tỷ đồng khi đầu tư hoàn chỉnh…

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Nguồn: Porcoast
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Nguồn: Porcoast

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Trong đó, cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.

VỊ TRÍ THUẬN LỢI ĐỂ PHÁT TRIỂN CẢNG BIỂN QUỐC TẾ

UBND TP.HCM vừa có tờ trình Thủ tướng xem xét tờ trình về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, khu vực dự kiến xây cảng Cần Giờ tại cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép – Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.

Theo UBND TP.HCM, vị trí xây dựng càng Cần Giờ được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc.

Đồng thời, cảng thuộc Vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.

Thống kê cho thấy, gần 60% khối lượng vận tải container đi qua biển Đông. Dự báo đến năm 2030, thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á, sản lượng hàng container trung chuyển quốc tế sẽ chiếm trên 30%. Theo đó, lượng hàng trung chuyển qua khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 đạt khoảng  84,6 triệu Teu và 104,3 triệu Teu vào năm 2040.

Hiện nay hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30-70% so với đến Singapore.

Bên cạnh đó, thời gian qua hãng tàu MSC (hàng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn) nghiên cứu đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ủy ban nhân dân TP.HCM đánh giá khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng từ nguồn hàng hiện có của hãng tàu và là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.

DỰ KIẾN KHAI THÁC TỪ NĂM 2027

Dự án cảng Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan dài 2 km. Tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn. Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027, và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.

Cảng Cần Giờ dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, người lao động làm việc tại cảng, đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm khi đầu tư hoàn chỉnh.

Huyện Cần Giờ đang được đầu tư phát triển nhiều dự án trong tương lai - Ảnh minh họa
Huyện Cần Giờ đang được đầu tư phát triển nhiều dự án trong tương lai - Ảnh minh họa

Ngoài khu cảng, TP.HCM cũng đầu tư các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác cảng như khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 68 ha. Khu nhà làm việc cơ quan nhà nước về cảng biển như cảng vụ hàng hải, hải quan, biên phòng cửa khẩu và cơ quan kiểm tra chuyên ngành rộng khoảng 4 ha.

Ngoài ra, còn có trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng hải, trung tâm dịch vụ tư vấn hàng hải quy mô khoảng 10 ha.

Về nguồn vốn cho việc đầu tư cảng, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước tự bỏ kinh phí hoặc huy động vốn hợp tác công tư để làm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng.

Tờ trình của UBND TP.HCM cũng xác định một số tiêu chí yêu cầu đối với nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng cảng. Trong đó, nhà đầu tư phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỉ trở lên.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; không được chuyển nhượng dự án trong thời gian đầu tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề...

Dù vậy, hiện nay hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm TP.HCM về Cần Giờ chưa được đầu tư đồng bộ. Do đó, đề án cũng lên danh sách nhiều công trình cầu, đường phải đầu tư để nâng cao hiệu quả khai thác.

Cụ thể, từ nay đến năm 2030 sẽ làm cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, xây dựng nút giao thông Rừng Sác với cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.

Sau năm 2030, TP.HCM tiếp tục làm đường kết nối từ vị trí xây cảng với đường Rừng Sác, làm đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Về vấn đề môi trường khi xây dựng, qua đánh giá sơ bộ, UBND TP.HCM nhận thấy khu vực đề xuất xây cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ.

Tuy nhiên, việc đầu tư cảng Cần Giờ dự báo sẽ tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn lợi thủy hải sản…

 

Trước đó, ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông đến Cần Giờ để khảo sát cảng trung chuyển quốc tế này.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo TP.HCM về công tác đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương; các bộ ngành liên quan phải phối hợp với TP.HCM và các đơn vị hoàn thiện hồ sơ dự án. Thủ tướng cũng lưu ý nghiên cứu kỹ ba vấn đề hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cập nhật vào quy hoạch, làm cơ sở triển khai nghiên cứu dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate