Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) vừa có kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu vượt bằng thép ở ngã 6 Dân Chủ vớ kế hoạch niên hạn 2023 – 2026. Kế hoạch trước đó là 2016 – 2020 nhưng đến nay chưa thể triển khai.
Đây là một trong những bùng binh lớn vào trung tâm thành phố, là điểm giao của các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, 3 tháng 2, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Phúc Nguyên (đường vào ga Sài Gòn) và là “điểm đen” kẹt xe thường xuyên, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Năm 2017, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án xây cầu vượt bằng thép tại khu vực này nằm giải quyết bài toán kẹt xe vào trung tâm thành phố. Theo kế hoạch lúc bấy giờ, cầu có thiết kế bằng thép, chiều dài 268 m, rộng 13 m (mỗi làn xe 6,5 m), hướng tuyến từ Võ Thị Sáu (đường một chiều) qua đường 3 tháng 2. Kinh phí dự kiến 281 tỷ đồng.
Dự án chưa thể triển hai do tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đi trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám khi đó chưa triển khai, công trình cầu vượt buộc phải chờ điều chỉnh nhằm phù hợp với tiến độ triển khai tuyến metro số 2; đặc biệt metro số 2 có ga ngầm ở khu vực này.
Theo phương án điều chỉnh do TCIP vừa đề xuất, cầu vượt thép ngã 6 Dân Chủ vẫn giữ hướng tuyến Võ Thị Sáu – đường 3 tháng 2. Phía bên dưới cầu vượt vẫn duy trì giao thông dạng vòng xoay, kinh phí đầu tư khoảng 287 tỷ đồng, niên hạn xây dựng: 2024 – 2025.
Phản hồi kế hoạch của TCIP, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng phương án chưa có giải pháp tối ưu giải quyết mức độ ảnh hưởng đối với các công trình trên tuyến, cũng như việc rà soát, đánh giá sự phù hợp quy hoạch của dự án với các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000,... TCIP cũng chưa cập nhật các góp ý của Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (MAUR) liên quan dự án metro số 2 đi qua khu vực cầu vượt, việc đồng bộ hóa các công trình trên toàn tuyến (metro số 2, công trình dân dụng, cầu vượt…).
Vì vậy, để có cơ sở hoàn thiện phương án thiết kế trước khi thực hiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị TCIP rà soát, nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề được nêu; đồng thời cập nhật ý kiến góp ý của MAUR vào kế hoạch chung.
Trước đó, trong kế hoạch của mình, TCIP đã trình 5 phương án xây dựng cầu vượt thép ngã 6 Dân Chủ do đơn vị tư vấn đề xuất. Điểm chung của cả 5 phương án này là đều chọn hướng tuyến Võ Thị Sáu – đường 3 tháng 2 là hướng chủ đạo. Cụ thể như sau:
Phương án 1: Hướng tuyến Võ Thị Sáu – 3 tháng 2, kinh phí 287 tỷ đồng, được đánh giá là khả thi do phù hợp quy hoạch chung và có kinh phí đầu tư thấp nhất.
Phương án 2: Cầu hình chữ Y với hướng Võ Thị Sáu – 3 tháng 2 và Nguyễn Phúc Nguyên – 3 tháng 2.
Phương án 3: Vẫn hình chữ Y với hướng Võ Thị Sáu – 3 tháng 2 và Lý Chính Thắng – 3 tháng 2; kinh phí khoảng 750 tỷ đồng.
Phương án 4: Cấu trúc 3 nhánh, gồm Võ Thị Sáu – 3 tháng 2, Lý Chính Thắng – 3 tháng 2 và Nguyễn Phúc Nguyên - 3 tháng 2; kinh phí ước 938 tỷ đồng.
Phương án 5: gồm 2 nhánh cầu gần như song song gồm Võ Thị Sáu – 3 tháng 2 và Lý Chính Thắng – 3 tháng 2; kinh phí 938 tỷ đồng.
Cả 5 phương án này Sở Giao thông vận tải TP.HCM đều cho rằng chưa có giải pháp tối ưu, bảo đảm đồng bộ hóa các công trình giao thông và hạ tầng trên tuyến và khu vực, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.