Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra chỉ tiêu cụ thể để thực hiện 9/10 dự án của chương trình (do tỉnh không thực hiện Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết).
Theo đó, Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Mục tiêu hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ, nhà ở cho hơn 525 hộ; chuyển đổi nghề cho hơn 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho hơn 38 hộ; đầu tư xây dựng 2 công trình nước tập trung; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tỉnh sẽ hỗ trợ 1 dự án trồng cây dược liệu quý; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, tạo việc làm tăng thu nhập cho hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mới 58 công trình, 16 công trình chuyển tiếp; duy tu bảo dưỡng 36 công trình, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ…
Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ trường…
Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ cải tạo nhà văn hóa – khu thể thao đã xuống cấp vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy 1 nội dung văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một; hỗ trợ 4 điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ tại các thôn vùng dân tộc thiểu số…
Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và cử nhân điều dưỡng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số; tập huấn kiến thức sàng lọc trước sinh, sơ sinh…
Chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, tối thiểu 95% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 2%, thể nhẹ cân dưới 5%, thể thấp còi dưới 7%.
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Chỉ tiêu đề ra là có ít nhất 98% phụ nữ dân tộc thiểu số được tuyên truyền tư vấn tiếp cận dịch vụ sinh đẻ an toàn; tổ chức các lớp về phát triển năng lực lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng; nâng cao năng lực truyền thông…Cùng với đó, thành lập mới 63 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, thí điểm 20 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản và tài chính chính thức…
Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Sẽ tổ chức 15 hội nghị, tọa đàm tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, duy trì 4 mô hình tại xã vùng dân tộc thiểu số, xây dựng phóng sự bằng tiếng Khmer, phát hành tờ rơi, sổ tay tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết…
Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch sẽ tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phóng sự tiếng Khmer, phát hành sổ tay phổ biến pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số... Tổng mức vốn thực hiện chương trình năm 2023 là trên 625,8 tỷ đồng.