Câu chuyện cạnh tranh thời @ của hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trên cả nước đã được các đại biểu mang đến hội thảo “Nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề” tổ chức ngày 26/8/2022, tại Bắc Ninh. TS.Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thừa nhận rằng các làng nghề đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi tràn làn các sản phẩm nhập ngoại, cùng với sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi.
LÀNG NGHỀ CHƯA QUAN TÂM ĐẾN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
"Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút trầm trọng. Chỉ có doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử của một số doanh nghiệp là tăng từ 20 - 30%. Tuy nhiên, hiện nay, ở các cơ sở công nghiệp nông thôn, các hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên Internet còn mới lạ với nhiều chủ cơ sở, điều này khiến cho hoạt động thương mại trong các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế”, TS.Hóa nêu thực tế.
Chỉ ra các nguyên nhân khiến thương mại điện tử chậm phát triển ở các làng nghề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng hiểu biết của người làm hàng thủ công mỹ nghệ chưa đủ, chưa quen với việc bán hàng trực tuyến.
“Nhiều nghệ nhân làng nghề từ chối đưa hình ảnh sản phẩm lên mạng điện tử, bởi sợ bị ăn cắp mẫu mã. Mặt khác, sản phẩm thiếu tiêu chuẩn hóa, ảnh đưa lên một kiểu nhưng sản phẩm khách hàng nhận được không đồng nhất với hình hoàn toàn”.
Ông Vũ Hy Thiều, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online. Ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán chẳng hạn, người dân nông thôn còn quá xa lạ và thanh toán online gần như không có trong suy nghĩ của họ.
Các dịch vụ thương mại điện tử chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư và cần phải có thêm thời gian.
Chia sẻ khó khăn trong phát triển thương mại điện tử từ thực tế, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc đến từ Làng nghề gốm Phú Lãng (Bắc Ninh), cho hay người làm nghề gốm ở Phù Lãng còn thiếu kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những sản phẩm mà thị trường vốn đã có sẵn mà chưa tạo ra sự độc đáo của riêng mình.
“Trong lĩnh vực thông tin thương mại hiện nay vừa thiếu vừa thừa. Thừa những thông tin chung chung nhưng thiếu những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhất là thông tin về xuất khẩu”, bà Ngọc phản ánh.
Ông Vũ Hy Thiều, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng còn có những trở ngại chủ quan đến từ các làng nghề. Trong đó, mấu chốt nhất là các làng nghề còn yếu về phát triển sản phẩm, thường các làng nghề đi lấy mẫu trên mạng về sản xuất theo, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt của chính mình.
"Nếu tham gia thương mại điện tử dễ có nguy cơ đi quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp khác chứ không gây dựng được thương hiệu của mình", ông Thiều nêu lên nghịch lý của làng nghề.
CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
TSKH. Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam, cho biết người kinh doanh trực tuyến trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram – những nền tảng thu hút hàng triệu người tham gia không phải đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt là đối với thị trường rộng lớn như mạng xã hội, nhiều tranh chấp xảy ra nên đặc biệt cần sự quản lý sát sao của cơ quan nhà nước. Để làm được điều đó, đăng ký kinh doanh là quy định căn bản nhất để Nhà nước bao quát được thị trường.
"Những cá nhân/đơn vị kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội không phải đăng ký kinh doanh sẽ khiến cho thị trường trực tuyến nhiễu loạn, bất cứ ai cũng tự do mua bán tùy ý, việc quản lý sẽ trở nên khó khăn, phức tạp".
TSKH. Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam.
Theo bà Tòng, pháp luật có quy định về nghĩa vụ đóng thuế, nhưng thực tế rất khó để có thể thu thuế từ cá nhân và đơn vị kinh doanh qua mạng, gây thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác.
"Vấn đề dễ xảy ra nhất là mâu thuẫn giữa người kinh doanh và khách hàng. Do chỉ trao đổi, bàn bạc và thống nhất qua mạng xã hội trực tuyến nên những bất đồng ý kiến dễ xảy ra. Giao dịch trực tuyến khiến cho người kinh doanh và khách hàng không hiểu biết rõ về đối phương, dẫn đến tình trạng lừa đảo", bà Tòng nêu thực trạng.
Ngoài ra, quá trình vận chuyển từ người bán đến người mua cũng gây ra một số bất cập: Thời gian vận chuyển phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển và những yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai..., song khi hàng hóa bị giao chậm, khách hàng nhận được hàng chậm thì họ dễ từ chối nhận.
Vì thế, bà Tòng khuyến nghị cần thiết hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh trực tuyến và tổ chức tuyên truyền, phổ cập pháp luật cho những cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử tại các làng nghề. Đó là, cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: đào tạo nâng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử. Qua đó, giúp thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn.
Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Trong đó, đẩy mạnh việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, giúp khách hàng yên tâm khi giao dịch trực tuyến, từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt…
Về phía các cơ quan Nhà nước, cần hỗ trợ hàng xuất khẩu, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, như: xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.