“Trong hợp đồng và trong quy định chúng tôi đưa ra cũng rất rõ. Anh làm mà không đúng về nguyên tắc anh phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ. Việc này vừa rồi như Viettel cũng đã thực hiện, một số trường hợp lỗi do máy móc, thiết bị gây ra. VETC cũng đã thực hiện, có sự giám sát chặt chẽ”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ cũng như Thanh tra Bộ thường xuyên kiểm tra giám sát. Đây là giai đoạn đầu nên rất khó khăn, có nhiều vấn đề cần sự phối hợp tháo gỡ, từng bước tạo sự đồng thuận thống nhất, dần dần hoàn thiện quy trình để khai thác.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, có thể nói là các cấp, các ngành, đặc biệt là các đơn vị liên quan trực tiếp, đều nhận thức được vấn đề này. Khi những phản ánh của người dân, của chủ phương tiện về bất cập là chúng ta phải ghi nhận, nghiên cứu xử lý và bổ sung. Hiện nay Bộ chỉ đạo rất sát vấn đề này. Các nhà cung cấp dịch vụ như VETC, Viettel, các chủ đầu tư theo hình thức BOT trên các quốc lộ cũng phải ý thức về vấn đề này.
Đồng quan điểm với Bộ GTVT, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC cho rằng phải có những bộ đánh giá, giám sát. Nguyên nhân xe không đi được qua trạm cũng do một phần tài khoản không đủ tiền, thẻ dán bên ngoài xe có thể hỏng hóc, bong tróc.
“Rất mong các nhà đầu tư BOT trong quá trình vận hành hoặc các nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn khách hàng đến điểm dịch vụ để kiểm tra chất lượng thẻ. Chủ phương tiện cũng lưu ý khi tham gia giao thông. Chúng tôi sẽ có tính năng cảnh báo tiền trong tài khoản cho khách hàng và hiện đã đang xây dựng. Chúng tôi cũng mong muốn Bộ ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá giống như mạng viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Trình nói thêm.