Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế này đã góp phần thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung, thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương. Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của ta năm 2007 (khi gia nhập WTO), con số này là 100 tỷ USD thì năm 2022 vừa qua, con số này đã là hơn 730 tỷ USD (tăng hơn 7 lần), đưa Việt Nam vào top những nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất trên thế giới. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức gần 50 tỷ USD năm 2007 lên đến hơn 370 tỷ USD vào năm 2022 (tăng hơn 7 lần).
Những con số nêu trên cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Các nước rất sợ phải cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam vì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản...), đây là tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế, thì làm thế nào để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, làm sao để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chuẩn chỉ.
Phát biểu tại hội thảo giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Đà Nẵng vào cuối tuần qua, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và nhiều bên. Trong các FTA ta đã ký, có những hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo ông Trung, để xử lý vấn đề này là các nhà đàm phán của các thành viên WTO trước đây, hay các hiệp định FTA hiện nay, đã thiết kế một công cụ đặc biệt là phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp như: chống bán phá giá; chống trợ cấp; và tự vệ.
Theo thống kê của WTO, kể từ khi WTO ra đời đến nay, các nước đã khởi xướng điều tra gần 8.000 vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Ông Trung cho biết trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Lý do chính của xu thế các nước kiện phòng vệ thương mại đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, gần đây, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (như thép, nhôm...).
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết thông qua hội thảo lần này giúp hỗ trợ rất lớn các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố; các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, biện pháp phòng vệ thương mại có tác động nhiều mặt, nhiều đối tượng, lâu dài, không phải là những lợi ích trước mắt. Các biện pháp này có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu, cả ở chiều nhập khẩu nên thời gian qua, phòng vệ thương mại nhận được sự quan tâm rất lớn của các hiệp hội, ngành sản xuất, xuất khẩu.