Giao dịch có chiều hướng tăng trước, giảm sau một phần vì hiệu ứng cuối tuần, nhà đầu tư không muốn gánh chịu rủi ro về thông tin. Mặt khác lợi nhuận ngắn hạn khá ổn bước sang phiên thứ 4 cũng khuyến khích các giao dịch lướt sóng. VN-Index từ chỗ tăng 1,61% tương đương hơn 16 điểm, chốt phiên lại giảm 0,06%, mất 0,65 điểm.
Mặc dù mức giảm hầu như không đáng kể, nhưng cổ phiếu có dao động khá mạnh, phù hợp cho các nhà đầu cơ ngắn hạn. VN-Index tăng 5,71% trong 4 phiên cuối tuần và nhiều cổ phiếu bắt đáy thành công cũng có biên lợi nhuận rất tích cực.
Thống kê sơ bộ trong nhóm VN100 sàn HoSE, nếu chốt đúng giá cao nhất hôm nay, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận đẹp, khoảng 58% số cổ phiếu lãi từ 5% trở lên, trong đó 17 mã lãi trên 10%.
Áp lực chốt lời trong phiên chiều là rất rõ, khi VN-Index nỗ lực thoát khỏi vùng đỏ nhưng vẫn tạo đỉnh trong phiên thấp hơn buổi sáng. Lực bán dâng mạnh nhất từ 2h15 trở đi và đẩy chỉ số giảm hẳn. Tuy vậy độ rộng cho thấy áp lực này chưa gây ra nhiều thiệt hại. Cụ thể, lúc 2h15 trước khi lực bán bắt đầu ồ ạt, HoSE có 250 mã tăng/169 mã giảm thì kết phiên vẫn còn 236 mã tăng/195 mã giảm. Độ rộng sàn này tốt nhất ở nhịp tăng 35 phút đầu tiên buổi sáng, ghi nhận 334 mã tăng/38 mã giảm.
Rõ ràng là khả năng chịu đựng áp lực bán ngắn hạn ở các cổ phiếu là khác nhau. Có những mã vẫn duy trì được mức tăng so với tham chiếu đến hết ngày, số khác phải quay đầu giảm hẳn xuống dưới tham chiếu. Trong 371 cổ phiếu ở HoSE có giao dịch phiên này, chỉ còn 41 cổ phiếu vẫn đóng cửa giá cao nhất ngày và tăng so với tham chiếu. Tỷ lệ chưa tới 11% là con số thể hiện rất hiếm cổ phiếu chịu đựng được lực bán.
Ngoài ra, phần lớn số trụ lại này có thanh khoản nhỏ, tức là mua bán không đủ để xác nhận cung cầu. Những cổ phiếu mạnh đáng chú ý có thể kể tới HDG kịch trần giao dịch 78 tỷ đồng; AAT kịch trần giao dịch 26,1 tỷ; CKG trần, giao dịch 33,2 tỷ; VIX trần giao dịch 120,8 tỷ; DPG trần, khớp 28,9 tỷ; TCB trần, khớp 302,7 tỷ. MSB, VPI, MSN là các mã khác có thanh khoản lớn và đóng cửa ở giá cao nhất ngày, đồng thời đều tăng so với tham chiếu.
Phía ngược lại, rất nhiều cổ phiếu có dấu hiệu xả lớn, thể hiện qua mức thanh khoản đủ cao và giá bị ép xuống nghiêm trọng. Tiêu biểu là DIG chốt phiên giảm 4,04% với 217,3 tỷ đồng thanh khoản và giá tụt tới 9,52% so với mức đỉnh trong ngày. HSG đóng cửa giá sàn, thanh khoản 208,5 tỷ và cũng bị ép xuống 8,58% so với giá đỉnh. NKG chốt giảm sàn, khớp 178,3 tỷ và rơi 8,49% trong phiên... Nhiều mã khác dù đóng cửa vẫn tăng so với tham chiếu, nhưng giá thực chất tụt trên 4% chỉ từ sáng tới chiều và thanh khoản cao như KSB, HDC, TDC, CII, DCM, PAN, VGC, HPG, CSV, DPM, GEX, SHB...
Một biểu hiện khá tiêu cực hôm nay là thị trường không thu hút được dòng tiền mua mới đủ lớn. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết lại giảm 9% so với hôm qua, đạt 9.359 tỷ đồng, HoSE giảm 10% đạt 8.668 tỷ đồng. Thanh khoản thấp trong khi giá lại dao động chủ yếu theo hướng tiêu cực nói trên, đồng nghĩa với việc chỉ có các nhà đầu tư đang đầu cơ ngắn hạn với khối lượng cổ phiếu nhỏ, hoặc khối lượng cổ đang kẹt sẵn.
Nhóm blue-chips VN30 đóng cửa cũng trong trạng thái giảm áp đảo, với 19 mã đỏ và 10 mã xanh. Thời điểm mạnh mẽ nhất, cả rổ chỉ còn duy nhất PDR giảm, còn lại là tăng. Sức ép của giao dịch đầu cơ ngắn hạn cũng thể hiện đậm nét ở các blue-chips. HPG, NVL, VPB là những cổ phiếu biến động dữ dội nhất. HPG từ tăng 1,44% đảo thành giảm 3,45%. NVL từ tăng 0,14% thành giảm 1,89%. VPB từ tăng 2,11% thành giảm 1,21%. Đây cũng là 3 cổ phiếu khiến VN-Index mất nhiều điểm nhất phiên.
Các blue-chips tăng giá cũng khá nhiều, trong đó có vài đại diện ngân hàng như TCB, ACB, MBB nhưng không đại diện hết cho nhóm cổ phiếu này. Chỉ có 11/27 cổ phiếu ngân hàng đóng cửa còn trên tham chiếu. Ngược lại cổ phiếu chứng khoán khá tốt, tăng đều hơn với nhóm VCI, HCM, VND đều trên 1%, số giảm chỉ có 9 mã và duy nhất VUA, HBS, FTS là rơi hơn 1%.
Khối ngoại phiên này xả ròng 3.411,7 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng chủ yếu là bán ròng thỏa thuận EIB tới 3.342,8 tỷ đồng. Như vậy trừ đi EIB khối này bán ròng chưa tới 70 tỷ đồng. HPG cũng bị xả lớn 138,7 tỷ đồng. Phía mua có MSN +76,4 tỷ, VNM +47,6 tỷ, FRT +34,1 tỷ...