Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn cho biết dự thảo Nghị quyết dự kiến gồm 10 Điều.
Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Về các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa (từ Điều 3 đến Điều 8), Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật,…
Trong đó, để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cụ thể, quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW; Điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế;…
Dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1 /8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Về các chính sách tương đồng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch; đất đai tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện.
Cụ thể, hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% so với dự toán. Hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Cùng với đó, cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến người dân và uy tín của các cấp chính quyền.
"Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ.
Lưu ý thêm về chủ trương thu hút, tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược, bà Vũ Thị Lưu Mai lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư cần bảo đảm tuân thủ các điều kiện chặt chẽ vì Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Với các ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện để tránh lợi dụng chính sách. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có thể bổ sung một số ưu đãi khác thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược (như cơ chế cho phép thực hiện khấu hao nhanh hơn so với quy định hiện hành…).
Trong chiều 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.