July 05, 2022 | 07:00 GMT+7

Trợ lực nào giúp các hãng hàng không thoát lỗ?

Ánh Tuyết -

Từng bước nới lỏng giá trần, cho phép thu phụ phí xăng dầu ở đường bay nội địa để hóa giải áp lực trước mắt về chi phí nhiên liệu. Về căn cơ, cần giải bài toán về hạ tầng; tạo điều kiện thâm nhập thị trườ̀ng tiềm năng sẽ giúp các hãng bay dần khắc phục “di chứng” do đại dịch để lại, sớm thoát lỗ và hồi phục về mức trước dịch...

Việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm vẫn gặp khó cùng chi phí nhiên liệu bay “leo thang chóng mặt” khiến các hãng bay vẫn chìm sâu vào thua lỗ.
Việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm vẫn gặp khó cùng chi phí nhiên liệu bay “leo thang chóng mặt” khiến các hãng bay vẫn chìm sâu vào thua lỗ.

Tại hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải tuần qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm 2022, nhờ đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động tại các cảng hàng không dần nhộn nhịp trở lại.

Lũy kế 6 tháng, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không ước đạt 205.000 chuyến. Tính riêng thời điểm tháng 6, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 19/5 - 18/6, tổng số các chuyến bay do các hãng hàng không khai thác đạt 30.808 chuyến, tăng trưởng thần tốc 528,7% so với thời điểm “đóng băng” đường bay năm 2021.

NỘI ĐỊA "NỔI SÓNG", QUỐC TẾ VẪN "PHẬP PHÙ"

Cụ thể, trong tháng 6, Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO dẫn đầu khai thác 13.719 chuyến. Tiếp đến, VietJet Air khai thác 12.008 chuyến, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ, khai thác tổng cộng 4.565 chuyến. Còn Vietravel Airlines tăng trưởng đột biến về số chuyến bay lên đến 22 lần, đạt 516 chuyến bay.

Về sản lượng hành khách, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5%. Riêng sản lượng hành khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt khoảng 21,4 triệu hành khách, tăng 62,4%. Trong đó, sản lượng khách nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 57,3%.

Trợ lực nào giúp các hãng hàng không thoát lỗ?  - Ảnh 1

Mặc dù thị trường ghi nhận sự khởi sắc nhưng lãnh đạo Cục Hàng không vẫn bày tỏ lo lắng do việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó.

Trong đó, thị trường số một của hàng không Việt Nam là Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp.

Còn Trung Quốc - một thị trường quan trọng của các hãng hàng không Việt Nam, chiếm 32,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm trước dịch, hiện chỉ được tăng thêm 1 chuyến/tuần lên 2 chuyến/tuần do quốc gia này vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Các thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản đang từng bước mở cửa.

“Mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm là khôi phục tối đa các đường bay đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và tăng đường bay sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19”, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng tỏ ra sốt sắng do Việt Nam đứng đầu về tốc độ phục hồi thị trường nội địa nhanh nhất thế giới, thậm chí có nhiều thời điểm lượng khách vượt đỉnh thời kỳ trước dịch, tuy nhiên tốc độ phục hồi đường bay quốc tế lại không như kỳ vọng khi còn gần 80% đường bay quốc tế chưa khai thác lại được.

Báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm sâu 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong số đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 523,9 nghìn lượt người, chiếm 87% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn chứng dự báo gần nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, dự báo thị trường quốc tế châu Á - Thái Bình Dương phải đến năm 2024 mới hồi phục hoàn toàn. 

Theo ông Hòa, sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines. Tuy nhiên, hiện tổng số đường bay quốc tế hãng hàng không quốc gia đang khai thác mới đạt 35 đường bay, bằng 53% so với năm 2019. Năng lực khai thác đường bay quốc tế của Vietnam Airlines mới đạt 25%.

"Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023 mới có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019 do còn phụ thuộc chính sách mở cửa các quốc gia. Chúng tôi mong muốn các nước đẩy nhanh tốc độ mở cửa để khai thác đường bay quốc tế”, lãnh đạo Vietnam Airlines mong đợi.

CHÌM TRONG THUA LỖ VÌ GIÁ NHIÊN LIỆU LEO THANG

Bên cạnh khó khăn do thị trường quốc tế mới đang chậm rãi trở lại đường băng, theo nhìn nhận của các hãng hàng không, khó khăn lớn nhất hiện nay ngăn cản đà hồi phục, khiến các hãng vẫn chìm sâu vào thua lỗ là do chi phí nhiên liệu bay “leo thang chóng mặt”.

Xung đột chính trị giữa một số nước trên thế giới khiến giá nhiên liệu thời gian qua diễn biến bất thường, khó dự báo khiến cho các doanh nghiệp hàng không khó lập kế hoạch chính xác để ước tính chi phí, lợi nhuận.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, các hãng hàng không dù khôi phục nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua khiến doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ đồng/tháng.

Vì vậy, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất lên Chính phủ giảm thuế xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng, đồng thời, từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.

Thông tin chi tiết hơn, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, thừa nhận yếu tố tiêu cực nhất gây khó cho hãng là giá nhiên liệu.

Giá nhiên liệu bình quân cả năm 2021 chỉ là 72 USD/thùng, 6 tháng đầu năm 2022 leo dốc lên 116 USD/thùng, cả năm dự kiến 138-140 USD/thùng, gần gấp đôi năm 2021.

 

“Nhiều hãng hàng không thậm chí dừng bay vì giá nhiên liệu cao, như Nigeria Airways tại châu Phi phải dừng bay. Qantas Airlines, hãng hàng không lớn của Úc, cũng giảm hàng loạt chuyến bay nội địa đến năm 2023 vì giá nhiên liệu quá cao”, ông Hiền nêu thực tế.

Nếu giá nhiên liệu kéo từ nay đến cuối năm trên 160 USD/thùng, chi phí phải “gồng gánh” thêm khoảng 4.300 tỷ đồng, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến Vietnam Airlines hiện nay.

Năm 2022, doanh thu công ty mẹ Vietnam Airlines đặt ra trên 45.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ nhưng do chi phí gia tăng theo sản lượng, đặc biệt chi phí nhiên liệu tăng đột biến, khiến doanh nghiệp vẫn phải gánh lỗ nặng nề.

“Trong cấu trúc chi phí, chi phí nhiên liệu nếu ở mức 133 USD/thùng chiếm 40% tổng chi phí khai thác của Vietnam Airlines, nhưng tháng 6, 7 lên 165 USD/thùng chiếm đến 50% tổng chi phí. Tôi không tin là không hãng hàng không nào kinh doanh có lãi tại thời điểm hiện nay”, ông Hiền quả quyết.

Tương tự Vietnam Airlines, giá nhiên liệu hàng không tăng cao đến thời điểm này cũng tác động lớn vào tổng chi phí vận hành của tân binh Vietravel Airlines. Đại diện Vietravel Airlines cho biết, thông thường chi phí xăng dầu sẽ chiếm 30% trong tổng chi phí, tuy nhiên hiện tại tỷ trọng này đã tăng lên 45-55% chi phí của mỗi chuyến bay. 

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp hàng không, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), đề nghị giảm nhanh thuế bảo vệ môi trường về 0%, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Ngoài giá nhiên liệu tăng cao, các hãng bay còn đang chịu tác động bất lợi từ loạt nhân tố mà ngành hàng không khó kiểm soát như yêu cầu phòng dịch ở nhiều nước chưa được gỡ bỏ, ảnh hưởng bất lợi tới nhu cầu và tâm lý khách hàng; sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở lên khốc liệt hơn trong khi tính thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, “việc xây dựng giá vé trần được thực hiện khi dầu thô ở mức 80 USD/thùng. Hiện giá dầu tăng cao nên các doanh nghiệp hàng không đề nghị xem xét một là nâng giá trần, hai là cho chính sách phụ thu”, ông Nề đề xuất. Các biện pháp hỗ trợ được đưa ra nhanh, mạnh để thị trường hàng không dần ổn định trở lại, bước vào năm 2024 mới kịp hồi phục.

 
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA).
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA).

"VABA đề xuất thêm ba giải pháp giúp doanh nghiệp hàng không trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước xem xét tiếp tục triển khai.

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.

Thứ hai, triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này.

Thứ ba, xem xét kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hành không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức trước dịch. Dự kiến kịch bản tích cực là cuối tháng 6 hoặc hết năm 2023".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate