Theo dự thảo báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, kế hoạch giai đoạn 2022- 2025 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong năm 2021, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 136,153 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020 (đạt 124,678 tỷ USD). Như vậy, theo ghi nhận trong những năm qua, doanh thu lĩnh vực này đã liên tục tăng trưởng.
Đặc biệt, trong tổng doanh thu lĩnh vực này, mặc dù các doanh nghiệp có vốn FDI vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu (hơn 86%) nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam năm qua đã tăng mạnh so với những năm trước.
Nếu như năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm hơn 3,68 tỷ USD (trong tổng doanh thu gần 103 tỷ USD, năm 2019, con số này là hơn 11 tỷ USD và năm 2020 là gần 13,4 tỷ USD thì đến năm 2021, tỷ lệ doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên 18,779 tỷ USD (chiếm 13,8%).
Bên cạnh đó, giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI chiếm khoảng 15% (hơn 17,6 tỷ USD). Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp ICT khoảng 33,568 tỷ USD (chiếm 24,65%).
Thống kê, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm qua cũng tăng so với năm trước, đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020 (đạt 58.000 doanh nghiệp). Năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam (hơn 90%) là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi sự điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và sản xuất kinh doanh…
Dự thảo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2022 sẽ tập trung xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đáng chú ý sẽ kiện toàn tổ chức Vụ công nghệ thông tin thành Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông…
Mục tiêu định hướng đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Viet Nam đạt trên 45%.
Phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100 nghìn doanh nghiệp vào năm 2025. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD. Đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bằng từ 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam tăng gấp 2 lần.