Dựa trên dữ liệu của tạp chí Forbes, tổ chức Oxfam đã thực hiện một phân tích và công bố vào cuối tuần vừa rồi. Theo phân tích này, có khoảng 573 người đã trở thành tỷ phú kể từ năm 2020 – năm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu – nâng tổng số tỷ phú trên thế giới lên 2.668 người. Điều này đồng nghĩa với việc từ khi có đại dịch đến nay, cứ mỗi 30 giờ đồng hồ, tức hơn 1 ngày, thế giới lại có thêm 1 vị tỷ phú.
Phân tích của Oxfam, nhằm mục đích làm sáng tỏ sự gia tăng của chênh lệch giàu nghèo trên thế giới trong 2 năm qua, được công bố đúng vào thời điểm chuẩn bị khai mạc chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sỹ. Đây là chuỗi sự kiện hội tụ nhiều nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa của thế giới, bao gồm người siêu giàu, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các quốc gia.
Theo bản báo cáo, tổng tài sản của tầng lớp tỷ phú toàn cầu tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD, tương đương tăng 42%, trong thời gian đại dịch, đạt mức 12,7 nghìn tỷ USD. Phần lớn giá trị tài sản tăng thêm này bắt nguồn từ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm đầu tiên của đại dịch. Trước khi giảm mạnh từ đầu năm đến nay, chứng khoán thế giới đã có khoảng thời gian tăng điểm mạnh nhờ những gói kích cầu khổng lồ của các chính phủ nhằm hấp thụ bớt ảnh hưởng do Covid gây ra. Khi thị trường chứng khoán quay đầu, tài sản của giới tỷ phú nói chung chuyển sang trạng thái đi ngang và giảm nhẹ - theo ông Max Lawson, trưởng bộ phận chính sách chống bất bình đẳng thuộc Oxfam, cho biết.
Trong khi đó, Covid-19, bất bình đẳng gia tăng và giá lương thực leo thang có thể đẩy tới 263 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, đảo ngược tiến bộ về xoá đói giảm nghèo đã đạt được trong nhiều thập kỷ - một báo cáo của Oxfam công bố vào tháng trước cho biết.
“Tôi chưa từng thấy một thời điểm nào trong lịch sử lại có sự gia tăng cùng lúc mạnh mẽ đến như vậy cả về số người giàu và số người nghèo”, ông Lawson nói. “Điều này gây tổn thương cho nhiều người”.
Cũng theo Oxfam, người tiêu dùng trên khắp thế giới đang phải đương đầu với giá năng lượng và thực phẩm gia tăng, trong khi doanh nghiệp trong những ngành này và lãnh đạo của các công ty đó lại hưởng lợi từ sự tăng giá.
Các tỷ phú ngành thực phẩm và nông nghiệp chứng kiến tổng tài sản ròng tăng 382 tỷ USD, tương đương tăng 45% trong vòng 2 năm qua, sau khi trừ đi lạm phát. Từ năm 2020 đến nay, ngành thực phẩm đã sản sinh khoảng 62 tỷ phú.
Cùng với đó, tổng tài sản của các tỷ phú ngành dầu khí và than tăng thêm 53 tỷ USD, tương đương tăng 24%, kể từ năm 2020 sau khi trừ đi lạm phát. Ngành dược phẩm cũng có thêm 40 tỷ phú mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, khi ngành này hưởng lợi từ cuộc chiến chống Covid-19 và hàng tỷ USD vốn hỗ trợ của chính phủ.
Các tỷ phú công nghệ là một nhóm nữa giàu lên mạnh mẽ trong đại dịch. Trong số 10 người giàu nhất thế giới hiện nay, có 7 người là tỷ phú công nghệ, như Elon Musk của Tesla, Jeff Bezos của Amazon và Bill Gates của Microsoft. Chỉ riêng 7 tỷ phú công nghệ này đã có thêm 436 tỷ USD trong tài sản ròng trong 2 năm qua, nâng tổng tài sản của họ lên 934 tỷ USD, sau khi trừ đi lạm phát.
Nhằm chống lại sự gia tăng chóng mặt của khoảng cách giàu nghèo và giúp đỡ những người đang chật vật ứng phó với sự gia tăng của giá cả, Oxfam đề xuất các chính phủ tăng thuế đánh vào giới giàu và doanh nghiệp.
Báo cáo kêu gọi đánh thuế tạm thời 90% đối với lợi nhuận tăng thêm của doanh nghiệp, cũng như đánh thuế một lần đối với tài sản của giới tỷ phú.
Oxfam cũng đề xuất đánh thuế tài sản lâu dài đối với người siêu giàu, chẳng hạn thuế 2% đối với tài sản hơn 5 triệu USD, tăng lên 5% đối với những người có tài sản ròng hơn 1 tỷ USD. Việc đánh thuế người giàu như vậy có thể thu về 2,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính phủ vẫn chưa hào hứng với việc đánh thuế giới giàu. Nỗ lực đánh thuế tài sản ròng của tầng lớp giàu nhất Mỹ đã không đạt được bước tiến đáng kể nào tại Quốc hội Mỹ trong những năm gần đây.