Theo Nikkei Asia, khoản chi của riêng Trung Quốc cho sản xuất thiết bị bán dẫn thậm chí đã vượt tổng đầu tư của Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Điều này cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm nội địa hóa sản xuất chip và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về các hạn chế thương mại tiềm tàng của phương Tây.
Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc dự kiến sẽ chi tổng cộng 50 tỷ USD cho thiết bị bán dẫn trong năm nay. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai và tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Hơn mười nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 và 2025 nhằm đảm bảo nguồn cung chip ổn định cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau của quốc gia này. Chi tiêu đầu tư cho bán dẫn của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất hàng đầu, chẳng hạn như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong, mà còn bao gồm các nhà sản xuất chip vừa và nhỏ.
Những khoản đầu tư này đã giúp Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị sản xuất chip. Hầu như tất cả các nhà máy sản xuất chip mới của Trung Quốc đều tập trung vào các nút sau, vì các công ty Trung Quốc khó có được các công cụ tiên tiến cần thiết để sản xuất chip trên các công nghệ quy trình tiên tiến.
Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất tăng chi tiêu cho các công cụ sản xuất chip so với năm trước mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Ngược lại, Đài Loan, Hàn Quốc và Bắc Mỹ đều giảm đầu tư vào thiết bị sản xuất wafer (là một tấm mỏng để làm đế chip, được làm từ silicon) trong cùng kỳ.
Động thái gia tăng chi tiêu của cũng tác động đáng kể đến các nhà sản xuất công cụ sản xuất chip. Theo đó, Applied Materials, Lam Research, KLA từ Hoa Kỳ, Tokyo Electron từ Nhật Bản và ASML từ Hà Lan đều báo cáo doanh thu tăng từ các công ty Trung Quốc, dao động từ 32% đến 49%.
Vốn đầu tư cho ngành chip của Trung Quốc đã tăng đều đặn hơn 15% trong bốn năm liên tiếp kể từ năm 2021. Tờ Nikkei Asia đưa tin chi tiêu của Trung Quốc cho các cơ sở bán dẫn mới dự kiến sẽ bình thường hóa trong hai năm tới.
Tuy nhiên, chi tiêu toàn cầu cho thiết bị bán dẫn dự kiến sẽ tăng, đặc biệt là ở Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, khi các khu vực này chuyển sang tăng cường năng lực sản xuất chip của khu vực trong những năm tới.