Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có Công văn số 1253/TS-NTTS gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển có nuôi tôm hùm; Hội nghề cá các tỉnh có nuôi tôm hùm về việc tăng cường quản lý tôm hùm.
Công văn nêu rõ thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm tại Khánh Hòa và Hội nghệ cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus) từ Việt Nam.
DOANH NGHIỆP TẮC ĐẦU RA VÌ HÀNG LOẠT CÁC LOẠI GIẤY CHỨNG NHẬN
Các doanh nghiệp cho hay nhận được thông tin từ nhà nhập khẩu Trung Quốc cho biết phía cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đã áp dụng nghiêm ngặt trong việc xuất khẩu, nhập khẩu tôm hùm từ các nước, trong đó có hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Tạm dịch thông tin nhận được từ phía đối tác Trung Quốc như sau: “Tôm hùm hoang dã là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu một quốc gia muốn nhập khẩu tôm hùm bông nuôi, phải cung cấp các tài liệu chứng minh sau đây trước khi nộp đơn xin giấy phép nhập cảnh: Giấy chứng nhận tôm hùm được nuôi theo phương thức nhân tạo; Giấy chứng nhận được quản lý đặc biệt đối với động vật thủy sản hoang dã ở Trung Quốc; Giấy chứng nhận phê duyệt các loài động vật hoang dã thủy sản có nguồn gốc từ nước ngoài”.
"Hiện tại việc xuất khẩu tôm hùm xanh sống cũng bị ách tắc, chậm trễ do phía Trung Quốc không tổ chức kiểm tra, cấp phép thông quan nhanh chóng như trước đây làm cho thủy sản sống bị chết với tỷ lệ lớn, gây thiệt hại lớn khi thủy sản chết giá chỉ bằng 30-50% giá của thủy sản sống".
Trích văn bản Công ty Linh Phát gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Công ty Linh Phát – một doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm cho biết hiện tại, tôm hùm bông sống của Việt Nam gần như không thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các lô hàng của công ty đã thu mua theo đơn đặt hàng của đối tác đều không được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, do đó hàng hóa bị ứ đọng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Với hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian gần đây, rất có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm hùm sống, trong khi sản lượng thương phẩm tôm hùm bông trong nước còn rất nhiều, giá trị lớn, lượng hàng đã sẵn sàng cho xuất khẩu vào dịp lễ Tết cuối năm, như: Tết Trung thu, Quốc Khánh Trung Quốc, Tết Nguyên Đán châu Á... nên việc ban hành quy định nghiêm ngặt trên của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc gây thiệt hại to lớn với các hộ nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc.
KHÁNH HÒA NGUY CƠ MẤT 600 TỶ ĐỒNG DO TÔM HÙM KHÔNG TIÊU THỤ ĐƯỢC
Khánh Hòa hiện đang là địa phương nuôi tôm hùm nhiều nhất Việt Nam, hiện tôm hùm bông chủ yếu nuôi tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Theo phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, toàn huyện có khoảng 35.000 ô lồng đang được người dân nuôi tôm hùm. Trong đó khoảng 17.000 ô lồng (gần 50%) nuôi tôm hùm bông, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Vạn Thạnh.
Người nuôi cho biết khoảng 3 tháng nay, thương lái dừng thu mua tôm hùm bông khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Nếu như cách đây 3 tháng, giá tôm hùm bông ở mức 1,6 - 2,1 triệu đồng/kg, thì thời điểm này chỉ còn dao động từ từ 1,05 – 1,1 triệu đồng/kg.
“Hiện sản lượng tôm thịt trên địa bàn rất nhiều, riêng gia đình tôi có 4 tấn. Do chưa xuất bán được nên mỗi ngày gia đình vẫn phải cho tôm ăn, dẫn đến tốn nhiều chi phí”, ông Nguyễn Xuân Hòa, một người nuôi ở thị trấn Vạn Giã phản ánh.
"Thời gian qua, tôm hùm chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng hiện không xuất được, thương lái thu mua chậm, người dân lỗ vốn. Với 400 tấn tôm hùm là 600 tỷ, đang nằm trên vịnh và hàng ngày chúng cũng phải ăn, tiêu phí rất lớn".
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Hòa, tôm nuôi của gia đình đã đạt trọng lượng từ 0,8 kg/con trở lên, mỗi ngày cho ăn tốn từ 12-15 triệu đồng. Tính đến nay, chi phí đầu tư mỗi lồng nuôi 70 con khoảng 70 triệu đồng, trong khi gia đình có đến 80 ô lồng nên số tiền bỏ ra là rất lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết hiện trên địa bàn huyện có khoảng 150 tấn tôm hùm bông đạt kích cỡ thu hoạch (0,7 – 1 kg/con) và dự kiến từ nay đến cuối năm có khoảng 400 tấn thương phẩm.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), chuyên thu mua và xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc, cho biết từ tháng 8 âm lịch đến nay, phía Trung Quốc hạn chế nhập hàng hải sản tươi sống. Hơn nữa, Hải quan Đông Hưng cũng tăng cường kiểm tra 50% trong một lô hàng xuất khẩu, chẳng hạn đi 1 tấn tôm hùm nhưng họ kiểm tra khoảng 5 tạ.
“Tôm hùm là hàng tươi sống mà cắt hàng ra kiểm tra và giữ lâu đến chiều mới cho thông quan thì tôm sống cũng thành tôm chết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Bình phản ánh, đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hàng hóa nói chung, tôm hùm nói riêng được thông suốt.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀO CUỘC NHẰM THÁO GỠ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam mà không nêu rõ lý do, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc (Công văn773/CCPT-ATTP ngày 11/9/2023), gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Công văn số 912/CCPT-ATTP ngày 28/9/2023).
Nội dung công văn đề nghị bố trí làm việc trực tiếp với Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xác thực thông tin phản ánh nêu trên của các doanh nghiệp; đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về quy định mới (nếu có) đối với nhập khẩu tôm hùm bông sống; đề nghị thông báo tới hải quan các cửa khẩu cho phép thông quan các lô hàng tôm hùm bông sống của Việt Nam cho đến khi có thông báo chính thức.
Nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết Cục sẽ tiếp tục tích cực liên hệ với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị đôn đốc phía bạn sớm bố trí buổi làm việc trực tiếp để trao đổi về vần đề nêu trên, sớm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông, ngày 7/11/2023, Cục Thủy sản đã ban hành văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có nuôi tôm hùm; Hội nghề cá các tỉnh có nuôi tôm hùm về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.
Cục Thủy sản đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm hùm chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống tôm hùm và chỉ đạo của Cục Thủy sản ngày 17/10/2023 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống.
Các địa phương cần hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Đồng thời, theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Các địa phương cũng cần phải tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.