May 05, 2025 | 10:39 GMT+7

Trung Quốc tìm mọi cách kích thích tiêu dùng nội địa

Tuệ Mỹ -

Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng trong nước; nhấn mạnh tiềm năng của thị trường nội địa trong việc thay thế thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế mới…

Người Trung Quốc giờ đây ưu tiên các thương hiệu nội địa. Ảnh: Global Times
Người Trung Quốc giờ đây ưu tiên các thương hiệu nội địa. Ảnh: Global Times

Nhằm đối phó với những tác động của cuộc chiến thương mại, Chính phủ Trung Quốc đã công bố những thay đổi chính sách nhằm kích thích tiêu dùng nội địa. Hàng loạt hoạt động thúc đẩy mua sắm tại Trung Quốc sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ nỗ lực của các địa phương trong việc xây dựng và quảng bá những sản phẩm đặc trưng chất lượng cao và khiến người tiêu dùng Trung Quốc xa rời những sản phẩm nhập khẩu nước ngoài.

 “Sự thay thế bằng hàng nội địa này là một chiến lược dài hạn, không chỉ nhắm vào các thương hiệu hoặc sản phẩm của Mỹ. Ý tưởng đối với người tiêu dùng Trung Quốc là thay thế càng nhiều càng tốt để đạt khả năng tự cung tự cấp”, ông Dan Wang, Giám đốc bộ phận Trung Quốc tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết.

Ông Lynn Song, nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), cho rằng hàng hóa sản xuất nội địa Trung Quốc có khả năng "dễ thay thế" cho hàng hóa nhập khẩu nước ngoài. Ông này nhận xét đã có một số sự thay thế đáng kể hàng hóa từ nước ngoài bằng hàng sản xuất trong nước, chẳng hạn trong lĩnh vực mỹ phẩm. Điều này cũng giúp thúc đẩy xu hướng chuyển sang dùng hàng nội địa của người dân Trung Quốc.

Trung Quốc tìm mọi cách kích thích tiêu dùng nội địa - Ảnh 1

Theo Reuters, trong những ngày qua, hàng chục người bán hàng trên nền tảng Xiaohongshu đã thực hiện các buổi livestream, giới thiệu sản phẩm vốn được sản xuất cho khách hàng Mỹ. Trong một buổi livestream, tài khoản “Kho hàng thương mại quốc tế Dingding Cloud” rao bán các thiết bị gia dụng nhỏ như nồi cơm điện, máy ép trái cây và máy nướng bánh mì, giảm giá toàn bộ sản phẩm lên tới 90%. Giới phân tích cho rằng những buổi phát sóng trực tiếp này phù hợp với cách Trung Quốc phản ứng trước sức ép bên ngoài.

Trong khi đó, hàng loạt tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, JD.com, Pinduoduo và Tencent đang triển khai các chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng phục vụ thị trường trong nước. Chẳng hạn, Alibaba đã thành lập một bộ phận chuyên trách để tìm nguồn hàng từ các nhà xuất khẩu tại hơn 10 tỉnh trên khắp Trung Quốc.

Các sàn thương mại điện tử của Alibaba là Taobao và Tmall cam kết sẽ trả hoa hồng cao hơn và hiển thị tốt hơn trên nền tảng của họ để khuyến khích ít nhất 10.000 nhà xuất khẩu bán 100.000 mặt hàng. Chuỗi siêu thị Freshippo cũng đã tạo ra các “kênh xanh” đặc biệt để các doanh nghiệp vốn chỉ xuất khẩu bán sản phẩm trên kệ hàng trong nước.

Trung Quốc tìm mọi cách kích thích tiêu dùng nội địa - Ảnh 2

Không những vậy, các “ông lớn” công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang đồng loạt tung ra những sáng kiến quy mô lớn nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. JD.com tuyên bố thành lập quỹ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (27,35 tỷ USD) để thu mua sản phẩm từ các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ các hãng xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa trong một năm tới. Các tập đoàn Tencent, Meituan và ByteDance cũng triển khai các chương trình hỗ trợ tương tự, thể hiện sự đồng thuận đối với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, theo thông tư do Bộ Thương mại và 5 cơ quan chính phủ khác ban hành, ngưỡng mua hàng tối thiểu để được hoàn thuế đã giảm tại Trung Quốc, cho phép du khách nước ngoài được hoàn thuế nếu chi tiêu ít nhất 200 nhân dân tệ (khoảng 27,75 USD) tại cùng một cửa hàng trong cùng ngày và đáp ứng các yêu cầu liên quan khác. Giới hạn cho việc hoàn tiền bằng tiền mặt cũng đã được nâng lên mức 20.000 nhân dân tệ.

Việc hoàn tiền sẽ được thực hiện thông qua nhiều phương thức, bao gồm thanh toán di động, thẻ ngân hàng và tiền mặt, để phù hợp hơn với thói quen thanh toán đa dạng của khách du lịch quốc tế. Các cửa hàng hoàn thuế được khuyến khích mở rộng danh mục sản phẩm, để bao gồm các thương hiệu lâu đời, hàng tiêu dùng nổi tiếng của Trung Quốc, thiết bị thông minh, mặt hàng di sản văn hóa phi vật thể, hàng thủ công mỹ nghệ...

Cùng với việc mở rộng chính sách miễn thị thực và cải tiến quy trình hoàn thuế, du lịch mua sắm đang trở thành điểm nhấn lớn trong hành trình của nhiều du khách quốc tế đến Trung Quốc thời gian gần đây. Vừa qua, một tàu du lịch chở hơn 1.500 hành khách quốc tế đã cập cảng thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc. Khoảng 97% trong số này là khách nước ngoài. Họ bày tỏ sự háo hức được khám phá thành phố, đồng thời tìm kiếm các sản phẩm Trung Quốc chất lượng cao với giá cả hợp lý.

Du lịch mua sắm đang thu hút nhiều du khách quốc tế đến Trung Quốc.
Du lịch mua sắm đang thu hút nhiều du khách quốc tế đến Trung Quốc.

Còn tại Hong Kong, dịp nghỉ lễ Ngày Quốc tế Lao động năm nay, nhiều khu vui chơi, mua sắm truyền thống ở Tsim Sha Tsui, Causeway Bay đông nghẹt người, hàng dài người xếp hàng bên ngoài các cửa hàng. Vào dịp này, nhiều trung tâm thương mại đã tung các chương trình giảm giá, ưu đãi để thu hút du khách.

Để củng cố thế mạnh truyền thống, đồng thời đổi mới các mô hình dịch vụ nhằm cải thiện trải nghiệm và sự hài lòng của du khách, Cục Phát triển Du lịch Hong Kong đã ra mắt trang web tư vấn đặc biệt cho kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động, cung cấp thông tin về giờ mở cửa của các điểm tham quan và mẹo mua sắm hữu ích.

Các chuyên gia nhận định, việc cung cấp cho du khách nước ngoài nhiều lựa chọn mua sắm hơn và sự cải thiện đối với các dịch vụ hoàn thuế sẽ hỗ trợ kích thích tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, du khách Trung Quốc cũng dự kiến chi gần 1.000 tỷ USD cho các chuyến đi trong nước năm 2025, biến du lịch nội địa thành điểm sáng giữa bối cảnh nền kinh tế tiêu dùng ảm đạm.

Theo CNBC, sự bùng nổ du lịch trong nước diễn ra khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa và du lịch trên khắp cả nước nhằm thúc đẩy chi tiêu. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc hôm 29/4 công bố một kế hoạch kéo dài đến năm 2026, tập trung vào các hoạt động như hòa nhạc, triển lãm và các chương trình “du lịch đỏ” mang màu sắc yêu nước.

Du lịch nội địa cũng được kích cầu nhằm thúc đẩy chi tiêu.
Du lịch nội địa cũng được kích cầu nhằm thúc đẩy chi tiêu.

Trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày từ 1/5 - 5/5, đã có hàng trăm triệu người dân đổ về các ga tàu, sân bay, điểm đến nổi tiếng, tạo nên bức tranh sôi động cho ngành du lịch của đất nước tỷ dân này. Theo các nền tảng du lịch trực tuyến, nhu cầu đi du lịch tại Trung Quốc trong dịp lễ năm nay đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng số lượt đặt phòng khách sạn và vé du lịch trên nền tảng Ctrip đã tăng hơn 70%.

Bà Liu Ting - Giám đốc cấp cao, Nền tảng du lịch trực tuyến Qunar cho biết: "Du lịch gia đình là xu hướng nổi bật trong kỳ nghỉ năm nay. Trong đó, cắm trại ngoài trời, các tour du lịch văn hóa và tour du lịch theo chủ đề di sản văn hóa phi vật thể là những hoạt động được ưa chuộng nhất".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate