November 26, 2022 | 09:30 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: "Căn bệnh kinh niên của ngành Logistics là chi phí vẫn quá cao"

An Phong -

Căn bệnh kinh niên là chi phí logistics của chúng ta vẫn ở mức cao, đặc biệt câu chuyện của chúng ta là sự kết nối doanh nghiệp logistics với nhau và vai trò dẫn đắt nội địa chưa được hình thành, đảm bảo...

 Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. Ảnh: Hoàng Việt.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. Ảnh: Hoàng Việt.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 sáng 26/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là quốc gia đang phát triển nhanh chóng mạnh mẽ thời gian qua, có độ mở kinh tế lớn, tiếp tục khẳng định mình trong chuỗi cung ứng, thương mại dịch vụ toàn cầu.

CĂN BỆNH KINH NIÊN LÀ CHI PHÍ LOGISTICS VẪN CAO

10 kỳ Diễn đàn Logistics trôi qua, chúng ta chứng kiến nhiều thay đổi, ta thấy sự chuyển động đồng hành mang tính chủ động của khu vực nhà nước cũng như doanh nghiệp, có sự chủ động gắn kết sâu rộng không chỉ ở doanh nghiệp logistics với chủ hàng mà tiếp tục có chuyển đổi giữa các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin truyền thông dưới sự điều hành của Chính phủ.

Chúng ta cũng chứng kiến bối cảnh mới, Đại hội Đảng lần thứ 13 được tổ chức thành công có hàng loạt nghị quyết được ban hành liên quan đến công nghiệp hóa, đô thị hóa, đất đai, đặc biệt 6 nghị quyết về phát triển vùng kinh tế xã hội của đất nước. Các nghị quyết này đều nhấn mạnh một số yếu tố chủ đạo đảm bảo phát triển kinh tế, trong đó có cả ngành logistics.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước yêu cầu tập trung phát triển dịch vụ mới trong đó chú trọng đẩy mạnh dịch vụ ngành công nghiệp, xây dựng hạ tầng biên mậu, có các chiến lược vượt trội cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy hình thành trung tâm logistics.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. Ảnh: Hoàng Việt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. Ảnh: Hoàng Việt.

Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Nhưng nhìn nhận khách quan vẫn còn nhiều tồn tại, căn bệnh kinh niên là chi phí logistics của chúng ta vẫn ở mức cao, đặc biệt câu chuyện của chúng ta là sự kết nối doanh nghiệp logistics với nhau và vai trò dẫn đắt nội địa chưa được hình thành, đảm bảo.

Hoạt động kết nối doanh nghiệp logisitcs và chủ hàng chưa lớn, chưa toàn diện, việc phát triển vận tải đa phương thức cũng diễn ra chậm, ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp theo yêu cầu, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt công nghệ, bên cạnh đó ô nhiễm môi trường lượng phát thải khí nhà kính ngành vận tải gia tăng làm hạn chế sự phát triển logistics xanh.

Nhiệm vụ đặt ra là làm sao tiếp tục có tư duy thống nhất, đảm bảo vai trò logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ toàn cầu khi mà địa chính trị, xung đột vũ trang, có tính thường xuyên không dự báo được. Câu chuyện là chúng ta phải khẳng định mình qua chất lượng, tiến vào thị trường và khẳng định chuỗi cung ứng quan trọng.

5 VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM 

Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cùng trao đổi, làm rõ những vấn đề trọng tâm đề ra trong chương trình, gắn với chủ đề của Diễn đàn lần này.

Một là, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là những chủ trương, định hướng mới được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trong cả nước...

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra vào sáng 26/11/2022 tại Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Việt.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra vào sáng 26/11/2022 tại Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Việt.

Hai là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Cùng với đó, tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung nhiệm vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn đến năm 2025. Chuẩn bị kế hoạch hành động cho giai đoạn 2026 - 2030.

Ba là, đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ nội hàm "logistics xanh" gắn với những yêu cầu, đòi hỏi để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là trong việc ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy đổi mới sáng và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nghiên cứu xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay (chỉ số năng lực phát triển logistics xanh - green logistics performance index) nhằm hỗ trợ kiểm soát hoạt động logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh một cách thường xuyên, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Bốn là, đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ ngành, địa phương và với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logisitcs ở Việt Nam và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate