September 25, 2021 | 08:50 GMT+7

Từ Pfizer tới Shionogi, các hãng dược đua nhau bào chế thuốc điều trị Covid-19 dạng uống

Ngọc Trang -

Bên cạnh vaccine, thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đang được các công ty như Merck, Pfizer, Shionogi phát triển được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhân tố chủ chốt giúp chấm dứt đại dịch...

Thuốc điều trị Covid-19 dạng uống dễ kê đơn và sử dụng cho người bệnh tại nhà với chi phí rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc dạng tiêm tĩnh mạch hiện nay...
Thuốc điều trị Covid-19 dạng uống dễ kê đơn và sử dụng cho người bệnh tại nhà với chi phí rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc dạng tiêm tĩnh mạch hiện nay...

Trên thế giới, các cuộc thử nghiệm lâm sàng với thuốc điều trị Covid-19 đã bắt đầu được triển khai, khi các hãng dược đua nhau nghiên cứu loại thuốc đơn giản và ít tốn kém hơn để điều trị cho bệnh nhân, tiến tới kiểm soát dịch bệnh.

Hãng dược khổng lồ Merck của Mỹ hiện đang hợp tác với startup Ridgeback Biotherapeutics để phát triển thuốc điều trị chống virus dạng uống có tên Molnupiravir. Thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng - trên phạm vi toàn cầu, dự kiến sẽ có kết quả vào đầu tháng 10.

Merck dự kiến xin cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir tại Mỹ vào cuối năm nay và có thể xin cấp phép tại Nhật 1-2 tháng sau đó.

Molnupiravir ban đầu được phát triển để trị bệnh cúm, nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị virus SARS-CoV-2 - loại virus gây đại dịch Covid-19. Merck đang chuẩn bị sản xuất khoảng 10 triệu liều Molnupiravir vào cuối năm nay. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã ký hợp đồng mua 1,7 triệu liều thuốc này với giá 1,2 tỷ USD.  

Trong khi đó, hãng dược Mỹ Pfizer cũng đang phát triển 2 loại thuốc kháng virus - một loại dạng uống và một loại dạng tiêm tĩnh mạch - dựa trên phương pháp điều trị được phát triển cho hội chứng viêm hô hấp cấp tính nghiêm trọng SARS - dịch bệnh từng bùng phát vào năm 2002.

Hai loại thuốc này dự kiến được dùng cho các bệnh nhân Covid-19 với từ triệu chứng nhẹ và vừa, không phải nhập viện. Dữ liệu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng với hai loại thuốc này sẽ được công bố trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay và có phác đồ điều trị vào đầu năm sau.

Bên cạnh các công ty Mỹ, nhiều hãng được Nhật Bản cũng đang trên đường đua phát triển thuốc điều trị Covid-19. Công ty Shionogi của Nhật đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 với thuốc viên điều trị Covid-19 từ tháng 7/2021. Công ty này đặt mục tiêu thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn trong năm nay và dự kiến đưa thuốc ra thị trường vào cuối năm 2022.

Công ty Chugai Pharmaceutical, có trụ sở tại Tokyo, gần đây đã mua lại quyền phát triển và tiếp thị tại Nhật đối với một loại thuốc kháng virus dạng uống do công ty mẹ Roche phát triển. Thuốc này có thể được bán trên toàn cầu vào năm 2022.

Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho phép Mỹ tạm thời dùng những loại thuốc chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) cấp phép đầy đủ để ứng phó với đại dịch, khủng bố sinh học hay các tình huống y tế khẩn cấp khác.

Quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp mất khoảng 3 tuần, ít hơn nhiều so với quy trình xem xét và cấp phép chính thức kéo dài 6-12 tháng của FDA. Các nhà chức trách cũng có thể hủy việc cấp phép sử dụng khẩn cấp nếu có quan ngại về tính an toàn và hiệu quả.

Nhật Bản cũng có cơ chế tương tự, cho phép sử dụng khẩn cấp một số loại dược phẩm chưa được phê duyệt trong nước nhưng đang được sử dụng ở Mỹ, Vương quốc Anh và một số quốc gia có tiêu chuẩn về dược phẩm tương tự như Nhật. Tuy nhiên, quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Nhật kéo dài khoảng 3 tháng.

Theo đó, nếu Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19 của Merck và Pfizer vào cuối năm nay, sớm nhất những thuốc này có thể được dùng tại Nhật vào đầu năm 2022.

Hiện tại, các loại thuốc điều trị Covid-19 gồm một hỗn hợp kháng thể, được dùng cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nhưng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, hỗn hợp này phải được truyền qua tĩnh mạch và mỗi đợt truyền có thể mất tới 3-4 giờ.

Ngoài thời gian, chi phí cũng là một vấn đề. Thuốc Ronapreve, do công ty Regeneron Pharmaceuticals và Roche phát triển, có giá tới 2.100 USD/liều. Mức giá đắt đỏ đồng nghĩa rằng loại thuốc này chỉ giới hạn sử dụng ở những khu vực giàu có với những tiêu chuẩn về y tế nhất định. Do đó, những loại thuốc dạng uống có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi, bởi có thể dễ dàng kê đơn và điều trị cho người bệnh tại nhà.

Bởi vì thuốc kháng virus hoạt động theo cơ chế ngăn chặn virus sinh sôi, chúng được kỳ vọng sẽ hiệu quả trong việc chống lại các biến thể Covid-19 khác nhau. Ngoài ra, các loại thuốc này cũng có thể được bào chế theo công thức hóa học, do đó có thể được sản xuất tại những  nhà máy dược phẩm hiện có với chi phí chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với phương pháp điều trị Covid-19 bằng cách tiêm kháng thể.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có hơn 230 triệu người bị lây nhiễm và hơn 4,7 triệu người tử vong trên toàn cầu. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 diễn ra nhanh chóng tại các nước phát triển với hơn 60% người dân Mỹ, châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều.

Tuy nhiên, những ca nhiễm dù đã tiêm vaccine đầy đủ ngày càng phổ biến khi biến thể Delta cũng như các biến thể khác lây lan nhanh chóng. Theo một số nghiên cứu, hiệu quả miễn dịch của vaccine giảm dần theo thời gian. Do đó, bên cạnh vaccine, để kiểm soát đại dịch cần đến cả thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc dạng uống.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate