September 30, 2023 | 21:28 GMT+7

Tỷ giá tăng nóng, nhóm doanh nghiệp nào được lợi và bất lợi?

Thu Minh -

Những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá khi USD/VND tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố 26/09/2023 ở mức 24.076 đồng/USD, hiện đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.229 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.400 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện nay, đồng Việt Nam mất giá so với đầu năm chỉ khoảng 1,8 - 2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9 - 10%.

Tính từ 30/06/2023 đến 26/09/2023, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước đối với USD/VND tăng 1,15% và cao hơn 0,18% so với mức tăng 0,97% vào cùng thời điểm 30/06/2022 đến 26/09/2022. Theo đánh giá của Mirae Asset, điều này có thể tác động khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý 3.

Cụ thể, với doanh nghiệp vay nợ bằng USD, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái. Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD sẽ gặp khó khăn khi USD tăng giá, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu.

Tỷ giá tăng nóng, nhóm doanh nghiệp nào được lợi và bất lợi?  - Ảnh 1

Trong khi đó, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá khi USD/VND tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.

Ngành dệt may (GIL, TCM, TNG, …) nhìn chung dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động 2 chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh
doanh.

Ngành công nghệ (FPT, CMG, …) hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Đối với FPT doanh nghiệp hưởng lợi chênh lệch tỷ giá từ xuất khẩu nhưng FPT có khoảng 381 triệu USD nợ vay, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.

Ngành thủy sản (VHC, ANV, MPC, IDI, FMC, …) hưởng lợi khi doanh nghiệp thủy sản phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

Ngành cao su (DPR, PHR, …) thường nợ vay bằng USD không đáng kể và là những doanh nghiệp cao su xuất khẩu ròng, do đó hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng. Ngành thực phẩm (LTG, TAR, PAN, …) là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng.

Tỷ giá tăng nóng, nhóm doanh nghiệp nào được lợi và bất lợi?  - Ảnh 2

Đối với diễn biến tỷ giá, theo đánh giá của Chứng khoán BSC, tỷ giá sẽ không phải một vấn đề lớn trong năm nay khi mà SBV có dư địa để điều hành tỷ giá nhờ: Cán cân thương mại ngày càng thặng dư và có xu hướng tăng khi tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh hơn tăng trưởng xuất khẩu (08T2023, CCTM đạt 20.9 tỷ USD). Lượng kiều hối chảy vào Việt Nam được ghi nhận vẫn ở mức ổn định.

Dòng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại tích cực trong 1,2 tháng trở lại đây. Tính đến tháng 7, lũy kế vốn FDI thực hiện +1.28% YoY sau khi tăng trưởng âm suốt lũy kế 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cũng ngày càng thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ.

SBV đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD. Bắt đầu từ ngày 21/09/2023, hoạt động trên thị trường mở đã trở lại. SBV đã phát hành gần 100.000 tỷ đồng tín phiếu. 

"Ở giai đoạn hiện tại, công cụ hút ròng qua kênh Tín phiếu khả năng sẽ là công cụ chính được NHNN sử dụng để điều tiết thị trường vì thế khối lượng hút ròng có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn", SBV nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate