December 29, 2023 | 22:26 GMT+7

Ứng dụng công nghệ thông tin, lưu trữ điện tử hướng tới Chính phủ số

Nhĩ Anh -

Việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế...

Các chuyên gia góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Các chuyên gia góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Ngày 29/12/2023 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý “Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp...

NHỮNG HẠN CHẾ BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH LƯU TRỮ

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác lưu trữ. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Lưu trữ (thay thế Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001).

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ), đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế xã hội...
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế xã hội...

Nêu những bất cập hạn chế của luật lưu trữ hiện tại, tờ trình dự thảo luật nêu rõ vấn đề về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bao gồm: các nguyên tắc, yêu cầu, chức năng của Hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; việc quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về xác thực tài liệu lưu trữ điện tử…

Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.

LƯU TRỮ ĐIỆN TỬ, TÀI LIỆU SỐ

Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024).

Bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục Văn Thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Góp ý chương IV dự thảo luật về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, ông Cao Minh Kiểm, Tổng Thư ký Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam đánh giá, đây là một chương hoàn toàn mới, chưa đề cập trong Luật Lưu trữ 2011. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; việc xây dựng và triển khai Chính phủ số, xã hội số, phát triển kinh tế số….

Nêu ý kiến cụ thể đối với Điều 34: Kho lưu trữ số, ông Cao Minh Kiểm cho rằng, nội dung này đã quy định các loại hình Kho lưu trữ số (Kho lưu trữ số Nhà nước; Kho lưu trữ số của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương,…). Tuy nhiên, điều này mới chỉ nêu kho lưu trữ số đối với cơ sở dữ liệu tài liệu được lưu trữ thuộc thẩm quyền. Vì vậy, ông Kiểm đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung này.

Về định nghĩa "Kho lưu trữ số" (Khoản 23 Điều 2), dự thảo nêu: "Kho lưu trữ số là trung tâm dữ liệu theo quy định của pháp luật về viễn thông để xử lý, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ." Theo ông Kiểm, như vậy mới chỉ đề cập đến "tài liệu số". Trong Dự thảo Luật này phân biệt rõ "Tài liệu số là một dạng tài liệu điện tử….". Vậy cần làm rõ Kho lưu trữ số có lưu giữ "Tài liệu lưu trữ điện tử" khác không?

Góp ý nội dung kinh phí cho hoạt động lưu trữ (Điều 61), khoản 1 của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tiến sỹ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có nội dung cụ thể cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên, phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để đảm bảo tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, Tiến sỹ Phạm Văn Tân đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Đinh Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Góp ý Điều 53 Chương VII dự thảo luật, ông Vinh cho rằng về các hoạt động dịch vụ lưu trữ cần thêm: tư vấn hoạt động lưu trữ, chuyển giao công nghệ lưu trữ, tu bổ phục chế tài liệu lưu trữ; bảo hiểm tài liệu lưu trữ.

Ông Vinh cũng kiến nghị nghiên cứu bỏ khoản 2: chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ, vì dễ phát sinh thêm “giấy phép con”. Điều kiện kinh doanh là như thế nào khi cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có chứng chỉ hành nghề, thực hiện theo Luật Lưu trữ, Luật đấu thầu, pháp luật về kinh doanh...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate