August 08, 2023 | 07:36 GMT+7

Ủng hộ đầu tư dự án đường ven biển đồng bằng sông Cửu Long

Xuân Nghi -

Dự án đường ven biển miền Tây Nam Bộ có tổng chiều dài 740 km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn TP.HCM và 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 8387/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Tiền Giang về việc sớm triển khai thực hiện dự án đường ven biển miền Tây đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo Bộ Giao thông vận tải, ngày 18/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 81/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị đầu tư các dự án tuyến đường bộ ven biển tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 2739/BGTVT-KHĐT ngày 21/3/2023 gửi ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp trong quá trình triển khai các dự án. 

Quan điểm của Bộ là ủng hộ dự án tuyến đường bộ ven biển này. Đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và ngân sách đầu tư do địa phương.

Văn bản phản hồi của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ, nguồn ngân sách mà Bộ Giao thông vận tải được giao không dùng để đầu tư vào tuyến đường ven biển đi qua các địa phương này.

Vì vậy, để chuẩn bị cho dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án để xác định hướng tuyến, phương án nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp, huy động tốt mọi nguồn lực để triển khai thực hiện. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương. 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh miền Tây Nam bộ có tổng chiều dài 740 km, lộ trình từ TP.HCM đến Hà Tiên đi qua 7 tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.

Do địa hình cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp Biển Đông nên dự án có mức đầu tư lớn. Hiện nay, dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn cho dự án. Bởi vì mặc dù là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được “rót vốn” ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án đường ven biển ĐBSCL giúp kết nối TP.HCM với 7 tỉnh Miền Tây, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Kiên Giang.
Dự án đường ven biển ĐBSCL giúp kết nối TP.HCM với 7 tỉnh Miền Tây, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Kiên Giang.

Tháng 9/2022, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án và xúc tiến việc khởi động dự án đường ven biển Miền Tây chạy dọc bờ biển của ba địa phương này.

Do địa hình đồng bằng ven biển cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp Biển Đông nên dự án có mức đầu tư lớn. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng theo từng phần. Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Bến Tre, có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, chiều dài tuyến 53 km.

Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025.

Ban chỉ đạo Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã thống nhất xác định, dự án sử dụng vốn vay mà không sử dụng vốn ngân sách trung ương. Các thành viên trong Ban chỉ đạo đến từ ba tỉnh nói trên đã bàn nhau về hướng tuyến, quy mô, phạm vi dự án,… Về phạm vi dự án, Ban thống nhất khống chế dự án trong phạm vi vốn vay 10.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo 3 tỉnh này cũng đã bàn bạc, đàm phán để thống nhất về việc vay vốn thực hiện dự án, cũng như thống nhất vị trí đấu nối điểm đầu và điểm cuối của dự án ở mỗi địa phương.

Riêng dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây đoạn qua tỉnh Tiền Giang sẽ làm mới hai đoạn đường dài gần 25 km, xây dựng 18 cây cầu. Quy mô đường sẽ là 4 làn xe, vận tốc 80 km/h.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate