November 17, 2023 | 09:29 GMT+7

Ủng hộ tỉnh Đồng Nai tài trợ lập quy hoạch sân bay Biên Hòa

Anh Khuê -

Trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, để bảo đảm việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương tỉnh Đồng Nai tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ quy hoạch sân bay Biên Hòa...

Sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng, với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu khách/năm.
Sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng, với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu khách/năm.

Trong văn bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Cục Hàng không Việt Nam phúc đáp công văn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tài trợ sản phẩm hồ sơ quy hoạch cảng hàng không Biên Hòa, Bộ Giao thông vận tải đã cho biết như vậy.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng nói rõ việc tài trợ và nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại khoản 3, điều 38 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm không ràng buộc đến hình thức thực hiện đầu tư, phát triển Cảng Hàng không Biên Hòa và Bộ Giao thông vận tải không phải bồi hoàn kinh phí lập quy hoạch.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện sản phẩm tài trợ; tổ chức tiếp nhận sản phẩm tài trợ để rà soát, thực hiện thủ tục trình phê duyệt theo quy định.

Được biết trước đó, ngày 29/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị việc tài trợ hồ sơ chi tiết quy hoạch sân bay Biên Hòa. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận để Đồng Nai tài trợ bằng sản phẩm hồ sơ quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa để địa phương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Trong kiến nghị này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cam kết tổ chức lập quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, tỉnh cam kết sản phẩm quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ bàn giao cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp nhận quản lý, sử dụng.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị việc tài trợ sản phẩm hồ sơ quy hoạch chi tiết sân bay Thành Sơn, một trong hai sân bay quân sự (cùng với sân bay quân sự Biên Hòa) đã được quy hoạch (theo Quyết định số 648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07/6/2023) xây dựng thành sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng, vừa phục vụ hoạt động quốc phòng vừa khai thác thương mại.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Do đó, nhằm sớm đưa vào khai thác sân bay Biên Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương, tỉnh mong muốn sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với lộ trình đưa vào khai thác hàng không dân dụng sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 2023 - 2025.

 

Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM khoảng 30 km. Trước đây, sân bay được phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời và được giao cho Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng. Hiện nay, sân bay Biên Hòa có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp với phía Mỹ để xử lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate