Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn như bổ sung quy hoạch đường cao tốc; nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ và đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải tại địa phương, đã kiến nghị Bộ cho đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn 4C để khai thác các dòng máy bay cỡ lớn A320, A321.
Trước kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện tại sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn 3C khai thác các dòng máy bay cỡ nhỏ như ATR-72 và tương đương. Theo quy hoạch thì giai đoạn đến năm 2020 vẫn giữ nguyên cấp sân bay 3C và hạ tầng hiện hữu của sân bay Cà Mau; giai đoạn đến năm 2030 mới nâng thành cảng hàng không nội địa cấp 4C.
Hiện nay, việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn cảng hàng không Cà Mau, đã được Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai. Cảng hàng không Cà Mau đã có thể tiếp nhận một số loại máy bay Embraer khai thác các đường bay tầm trung, giúp kết nối Cà Mau với các trung tâm lớn của cả nước.
Máy bay cỡ trung Embraer có sức chứa 98 hành khách, tương đương dòng máy bay hai cánh quạt ATR-72 với sức chứa tối đa 90 hành khách. Embraer 195 là dòng máy bay mà hãng Bamboo Airways đã đưa vào khai thác tuyến Cà Mau – Hà Nội và ngược lại, từ ngày 29/4/2023 vừa qua. Đây cũng là dòng phi cơ phản lực đã được sử dụng cho các đường bay tại Rạch Giá, Cần Thơ, Côn Đảo,…
Việc dòng máy bay Embraer được đưa vào khai thác tuyến Cà Mau – Hà Nội và ngược lại với tần suất tuần ba chuyến (thứ ba, năm và bảy), theo Bộ Giao thông vận tải, đã giúp rút ngắn khoảng cách về thời gian cho hành khách giữa hai đầu đất nước và tăng số lượng hành khách, du khách đi từ Cà Mau đến nhiều địa phương trong cả nước và ngược lại.
Cũng trong kiến nghị trước đó của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung một tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi vào quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, do nhu cầu vận tải chưa cao nên tuyến hành lang thành phố Cà Mau đến Đất Mũi không quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông lớn.
Bộ Giao thông vận tải cho biết ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư sân bay Cà Mau. Cụ thể, sau khi quy hoạch sân bay Cà Mau được điều chỉnh, nếu ACV không bố trí được nguồn vốn đầu tư, Bộ ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động vốn xã hội hóa đầu tư sân bay Cà Mau.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp Cảng hàng không Cà Mau là ACV có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng sân bay Cà Mau theo quy hoạch được duyệt. Nếu ACV không có khả năng tự đầu tư sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật.
Cảng hàng không Cà Mau hiện đang khai thác mỗi ngày một chuyến bay từ Cà Mau đi TP.HCM và ngược lại, với dòng máy bay cỡ nhỏ là ATR-72 (khoảng 90 hành khách), công suất 35.000 - 40.000 khách/năm. Tuy nhiên trên thực tế, công suất hiện nay của Cảng hàng không Cà Mau có thể đáp ứng khả năng khai thác lên đến 200.000 khách/năm. Vì vậy, cuối tháng 4/2023 vừa qua, hãng Bamboo Airways đã đưa vào khai thác tuyến Cà Mau – Hà Nội và ngược lại với dòng máy bay Embraer, tần suất 3 chuyến/tuần.