Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 phát hành ngày 2/10 của Ngân hàng UOB nhận định, tốc độ tăng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 3/2023 đã lên 5,33% so vơi cùng kỳ năm trước (từ mức 4,14% trong quý 2/2023) là nhờ những cải thiện trong hoạt động thương mại và sản lượng của các ngành sản xuất chế tạo cùng với các hoạt động trong nước.
MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG THÁCH THỨC
Dữ liệu thống kê cho thấy, nhiều chỉ số đang thay đổi theo hướng tích cực. Sản lượng sản xuất chế tạo đã ghi nhận mức tăng 5,6% so với cùng kỳ vào quý 3/2023 sau khi gần như không tăng trưởng trong 2 quý trước đó, trong khi hoạt động dịch vụ (chiếm 43% tỷ trọng GDP) tăng 6,2% so với cùng kỳ, tường đương mức tăng trong quý 2 năm 2023.
Xuất khẩu tăng trong tháng 9/2023 sau 6 tháng giảm liên tiếp, đạt mức 4,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng tương tự, tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 9/2023 sau 10 tháng giảm liên tiếp.
Ở trong nước, chi tiêu của người tiêu dùng dường như đã lấy lại đà tăng trưởng, với thương mại bán lẻ tổng thể đã tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 9/2023 sau khi dao động dưới mức 7% trong 3 tháng trước đó và là tháng tốt nhất kể từ tháng 4/2023.
Doanh số bán lẻ tăng 7,4 % so với cùng kỳ trong tháng 9/2023, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2023 trong khi sản lượng thương mại dịch vụ và lưu trú tăng 34,7% trong tháng 9/2023 sau khi dao động quanh mức 5-10% trong 4 tháng trước đó, cho thấy hoạt động du lịch đang tăng tốc.
Tuy nhiên, theo UOB, dù có nhiều cải thiện trong tháng 9/2023 cũng như trong quý này nhưng mức tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên tăng trưởng GDP thực tế quý 3/2023 vẫn thấp hơn so với dự báo 5,6% được UOB dự báo trước nhưng vẫn cao hơn kết quả cuộc thăm dò của Bloomberg là 5%.
Tính chung, trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,24% so với cùng kỳ, đây là một sự cải thiện so với mức 3,72% của nửa đầu năm 2023, nhưng chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ vào năm 2022.
“Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng chính thức 6,5% là một thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong quý 4/2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12% và điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ”, UOB nhận định.
Do đó, UOB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4/2023 sẽ tăng thêm 7,0% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%). Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới nhất là khi so sánh với số liệu quý 4/2022 với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ.
Tuy vậy, UOB vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 6% với kỳ vọng tình hình thế giới sẽ có diễn biến tích cực hơn.
CÓ KHẢ NĂNG CẮT GIẢM THÊM LÃI SUẤT
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, UOB đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn với tổng cộng 150 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,50%, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng.
Với bối cảnh hiện nay, UOB cho rằng vẫn còn dư địa để cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%) và thời gian thực hiện có thể trong quý 4/2023 dựa trên việc cân nhắc và cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.
Hiện, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới khi giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục leo thang khi các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt trên thế giới cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng và những thay đổi về khí hậu/thời tiết.
UOB giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9/2023, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6/2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%.