Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
CHÍNH SÁCH CHO HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CÓ TRỌNG ĐIỂM
Trình bày nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, cho biết liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.
Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); quy định biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, một số ý kiến nhất trí thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá, nhằm hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; đề nghị cần xác định rõ cơ chế đặc thù cho việc quản lý tài chính của Quỹ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa, nhưng ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Đơn cử như: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ này tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ này ở địa phương.
TUÂN THỦ NGHIÊM NGẶT QUY ĐỊNH KHI SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH TẠI KHU BẢO VỆ DI TÍCH
Đề cập đến nội dung sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết một số ý kiến đề nghị quán triệt nguyên tắc không quy định việc xây dựng công trình, nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Trong khu vực bảo vệ I của di tích chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có, và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng, không gian của các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Đối với khu vực bảo vệ II, cho phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; nhà ở riêng lẻ; công trình kinh tế - xã hội; bổ sung quy định các yêu cầu cần phải bảo đảm khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ tại các khu vực bảo vệ di tích.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị việc phân cấp cho phép đầu tư xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng đã có trong khu vực bảo vệ di tích cần thống nhất và chặt chẽ hơn.
Với nội dung này, Ủy ban đã tiếp thu quy định trong dự thảo Luật là: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh, di tích thuộc danh mục kiểm kê của tỉnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật lần này vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di “di sản tư liệu”.
Theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, đây là loại hình di sản chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sau: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận.
Bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; kiến trúc truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức, kinh nghiệm dân gian về phòng bệnh, chữa bệnh và tri thức dân gian khác; ẩm thực, trang phục, lễ hội truyền thống.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người.
Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng; bảo tàng công lập có vai trò quan trọng; bảo vật quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu; di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền.
Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, số hóa di sản văn hóa, chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.