Sáng ngày 11/5, ngay sau khi khai mạc chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
NHIỀU TỒN TẠI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 4 THÁNG ĐẦU NĂM
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đánh giá việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.
Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.
Theo đó, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các Bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân. Đồng thời lưu ý năm 2022, nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án.
"Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế", ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch Covid-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… cũng được Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng.
PHẢI ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI
Liên quan kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 phục vụ việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 chưa sát thực tiễn.
"Một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững. Chính sách hoàn thuế từ nguồn ngân sách Trung ương còn bất cập. Nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu", ông Cường nêu rõ.
Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm.
"Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia", ông Cường nói.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, thể hiện việc chưa nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời.
Sau khi nghe trình bày các báo cáo, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những kết quả đạt được những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về kết quả thực hiện thu chi ngân sách, bội chi nợ công của năm ngân sách 2021; kết quả thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2022 về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phân bố và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công...
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến các nội dung quan trọng trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (dự kiến ngày 23/5).