Vào thời điểm 30/9/2012, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu lên tới 17,2% tổng dư nợ. Con số này gây chú ý đặc biệt với thị trường và giới phân tích, bởi lần đầu tiên, nợ xấu được công khai và lại ở mức rất cao. Bởi vậy, vào tháng 5/2013, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi tắt là VAMC) với nhiệm vụ mua lại số nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.
Tại Đối thoại chuyên đề: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 13/7, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC, đã thông tin kết quả xử lý nợ xấu đầy khả quan sau chặng đường 5 năm từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực giúp “hồi sinh” những khoản nợ xấu gây làm tắc nghẽn sự tăng trưởng của nền kinh tế và 10 năm thực thi nhiệm vụ đặc biệt do nhà điều hành giao phó.
CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM NHÌN LẠI
Là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, sau 10 năm từ khi thành lập đến nay, VAMC mua được khoảng 375.000 tỷ đồng nợ xấu.
Tính riêng giai đoạn từ ngày 15/8/2017 - khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực đến nay, VAMC mua được khoảng 114.200 tỷ nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Còn các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường đạt khoảng 11.822 tỷ đồng. Mặc dù những con số này hết sức khiêm tốn nhưng cũng ghi dấu nỗ lực rất lớn của VAMC, khi quy mô vốn điều lệ của VAMC giai đoạn ban đầu chỉ khoảng 500 tỷ, sau đó tăng lên 2.000 tỷ và đến nay là 5.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi thực hiện mua nợ thị trường và mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC cũng phối hợp với tổ chức tín dụng để thực hiện đồng bộ mọi giải pháp về xử lý nợ, kể cả các biện pháp mạnh như thu giữ tài sản.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó, thu hồi trực tiếp từ khách hàng hoặc thông qua biện pháp bán nợ, bán tài sản đảm bảo, đạt khoảng 125.200 tỷ đồng (trong con số 270.000 tỷ đồng xử lý rủi ro bao gồm cả số các tổ chức tín dụng thực hiện trích lập, mua lại trước hạn đối với trái phiếu đặc biệt từ VAMC).
Về kết quả cơ cấu lại nợ, số tiền miễn, giảm lãi từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, VAMC cũng phối hợp với tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi khoảng 4.031 tỷ đồng, gấp đến 4,2 lần so với giai đoạn 2013-2016.
Liên quan đến hoạt động đấu giá, từ năm 2018, Bộ Tư pháp có văn bản đồng ý cho VAMC thực hiện trực tiếp các hoạt động đấu giá, tuy nhiên giới hạn đối tượng đấu giá là các khoản nợ và các tài sản đảm bảo của VAMC.
Kết quả đấu giá từ năm 2018 đến nay, VAMC tổ chức đấu giá nhiều tài sản đảm bảo và nhiều khoản nợ với tổng giá trị lũy kế đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, “một trong những đóng góp lớn nhất của VAMC trong việc xử lý nợ xấu đó là phát triển thị trường mua bán nợ, mặc dù các hành lang pháp lý liên quan đến thị trường mua bán nợ bước đầu mới được hình thành”, Phó Tổng Giám đốc VAMC nhấn mạnh.
Với nhiều nỗ lực, trong năm 2021, VAMC thành lập sàn giao dịch nợ. Đến nay, con số nợ xấu đang niêm yết ở trên giao dịch nợ của VAMC đạt trên 30.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Dù kết quả xử lý nợ xấu khả quan, tuy nhiên, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng nợ xấu xử lý qua VAMC cũng cần nhanh hơn, lớn hơn dù còn nhiều khó khăn từ cơ chế. Cùng với đó, Việt Nam chưa có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, gồm cả các khoản nợ xấu lẫn nợ bình thường, khi đó mới tăng được thanh khoản, thu hút tiền của nhà đầu tư. Mặt khác, thời gian gần đây mới cho phép mua bán nợ theo giá thị trường nên giá trị khá hạn chế, khoảng 11.000 tỷ đồng.
CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA KHÁCH HÀNG
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380.200 tỷ đồng, chiếm tới 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực. Đáng chú ý, trong số đó, số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả chiếm gần 39%.
Bình luận về ý thức tự trả nợ của khách hàng từ Nghị quyết 42 có hiệu lực, Phó Tổng Giám đốc VAMC dành nhiều lời khen về những ưu việt mà nghị quyết này mang lại.
Thứ nhất, Nghị quyết 42 cho phép VAMC thực hiện các biện pháp mạnh như thu giữ tài sản đảm bảo. Biện pháp này mang tính chất cảnh báo với các khách hàng vay nợ, từ đó, nâng cao ý thức trả nợ.
Thứ hai, Nghị quyết 42 cũng cho phép tổ chức tín dụng phối hợp với VAMC trong việc thực hiện các biện pháp để tái cấu trúc lại khoản nợ cho khách hàng, bao gồm các biện pháp miễn, giảm lãi cũng như việc gia hạn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ.
“Sau khi VAMC thực hiện mua nợ trái phiếu đặc biệt và mua nợ thị trường, căn cứ vào năng lực tài chính cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, chúng tôi sẽ đánh giá, đề xuất phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp liên quan tới vấn đề cơ cấu nợ”, ông Nam cho hay. Đây là một trong những biện pháp trợ giúp khách hàng phục hồi hoạt động kinh doanh, vượt qua khó khăn và đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.
Cùng với đó, Nghị quyết 42 có rất nhiều các quy định ưu việt khác vấn đề về xử lý việc thanh toán với số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đảm bảo, cho phép chuyển nhượng các dự án bất động sản; vấn đề phải xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề về phân bổ lãi dự thu; vấn đề về thu giữ tài sản… Nhờ đó, đóng góp rất lớn trong kết quả xử lý nợ xấu ngành ngân hàng trong thời gian qua.
Điều đó dẫn tới số tiền thu hồi từ biện pháp khách hàng tự trả nợ tăng lên so với giai đoạn trước đó, tức khi Nghị quyết 42 chưa có hiệu lực.
Theo số liệu từ VAMC, tính từ khi bắt đầu hoạt động đến 30/6/2022, định chế này đã mua nợ thông qua trái phiếu đặc biệt tới 408.341 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua 375.632 tỷ đồng; mua nợ thị trường đạt 11.822 tỷ đồng.
Cùng với nỗ lực của cả hệ thống tổ chức tín dụng, VAMC đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán đối với các ngân hàng; qua đó, thiết lập trở lại quan hệ tín dụng sau một thời gian dài bị ngưng trệ.