November 08, 2023 | 13:24 GMT+7

Văn hoá kinh doanh: “Sức mạnh mềm” nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp gia đình

Vũ Khuê -

Các doanh nghiệp gia đình nên và cần đi tiên phong trong xây dựng, thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh, lấy đó làm sức mạnh mềm để cạnh tranh và phát triển bền vững...

Chiều tối 3/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước.
Chiều tối 3/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước.

Tại hội thảo: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn Hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

NHẦM LẪN KẾ THỪA GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP VỚI THỪA KẾ TÀI SẢN

Doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ.

Nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp gia đình trong nền kinh tế, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, dẫn nghiên cứu của Family Capital về bảng xếp hạng 750 doanh nghiệp gia đình hàng đầu thế giới chỉ ra vai trò ngày càng quan trọng của các công ty gia đình với nền kinh tế toàn cầu. Các công ty này tạo ra doanh thu hàng năm trên 9.000 tỷ USD và sử dụng gần 30 triệu lao động.

Lịch sử kinh tế thế giới có thể thấy rằng, đằng sau các tập đoàn hùng mạnh đều có bóng dáng của các gia tộc kinh doanh. Tính tới 2017, ước tính các doanh nghiệp gia đình đóng góp 70-90% GDP toàn cầu.

Tại Mỹ doanh nghiệp gia đình chiếm gần 90% của tất cả các doanh nghiệp đăng ký. Úc dành hẳn Ngày doanh nghiệp gia đình quốc gia vào 18/9 để ghi nhận sự đóng góp với nền kinh tế Úc và cộng đồng địa phương.

Còn tại Việt Nam, theo ông Phạm Đình Đoàn, pháp luật chưa định nghĩa mô hình doanh nghiệp gia đình. Do đó, văn hoá doanh nghiệp gia đình lại càng là điều mới mẻ dù doanh nghiệp gia đình đã và đang đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Tại các nước phát triển, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp gia đình thường đạt 55-80%, đồng nghĩa với việc còn có thể khai thác được tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu.

Song để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho rằng cần dựa trên 4 trụ cột là: chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh, văn hoá doanh nghiệp và cam kết của lãnh đạo, lợi ích kinh tế.

Nhưng cách tiếp cận hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam ngay lập tức là tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, hiệu quả kinh tế bao nhiêu… Trong khi chiến lược của doanh nghiệp gia đình chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, ở đó văn hoá là sự cam kết của ông chủ. “Chúng ta đi ngược nên hiệu quả quản trị doanh nghiệp gia đình chưa tới, giá trị thương hiệu, danh tiếng của nhà lãnh đạo không được định danh”, bà Thanh nói.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự chuyển giao thế hệ tại các doanh nghiệp gia đình thành công là rất ít, đổ bể thường rất nhiều. Một trong những nguyên nhân là văn hoá gia đình và văn hoá doanh nghiệp gia đình không rõ ràng. Doanh nghiệp gia đình thường nhầm lẫn thay vì kế thừa giá trị thì lại là thừa kế tài sản nên dẫn đến hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp gia đình.

CẦN RÕ RÀNG GIỮA VĂN HOÁ GIA ĐÌNH VÀ VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP 

Chủ tịch VCCI cho rằng việc xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh là một yêu cầu tất yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững. Các doanh nghiệp gia đình luôn nổi trội ở mức độ tín nhiệm, luôn đề cao việc duy trì chữ tín, niềm tin với khách hàng và đối tác, đồng thời luôn có động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững, trường tồn qua nhiều thế hệ. Do đó, việc xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh đối với doanh nghiệp gia đình là yêu cầu tự thân.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại hội thảo.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại hội thảo.

Xây dựng văn minh, văn hoá kinh doanh là một quá trình cần rất nhiều thời gian, kể cả là nhiều thế hệ. Vì thế,  lãnh đạo VCCI cho rằng ngay từ bây giờ, chúng ta phải nghiên cứu, làm rõ các nội hàm của đạo đức, văn hoá kinh doanh, thống nhất các giá trị cơ bản của văn hoá kinh doanh bản sắc Việt Nam, hiểu được cách làm, cách xây dựng và lan toả văn hoá kinh doanh trong từng doanh nghiệp và cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, văn hoá gia đình, văn hoá doanh nghiệp không chỉ là phúc lợi tinh thần, cái đẹp để thưởng thức mà còn có mối quan hệ hữu cơ với hoạt động kinh doanh. Đằng sau sự thành công của một doanh nhân là gia đình văn hoá. Giữ được văn hoá, xem văn hoá là cái gốc chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ trường tồn, phát triển bền vững, khi đó gia đình doanh nhân văn hoá trở thành tài sản tinh thần, giá trị đặc trưng của doanh nghiệp.

Vì thế, để xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp gia đình, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm, bản chất của các nội dung, khía cạnh của gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình, đặc biệt các vấn đề liên quan tới chiến lược xây dựng gia đình doanh nhân phát triển bền vững; xây dựng và định vị văn hoá doanh nghiệp gia đình, vấn đề người kế nghiệp trong các gia đình doanh nhân.

Phân tích cụ thể, bà Hà Thị Thu Thanh cho rằng văn hoá là yếu tố nội sinh, nội tại của doanh nghiệp chứ không phải thể hiện bên ngoài. Vì vậy, trong xu thế phát triển bền vững, văn hoá là một trong những yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiêp, kể cả doanh nghiệp gia đình.

Để đo sự phát triển bền vững, văn hoá là yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chắc chắn, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp vô cùng quan trọng, đặc biệt doanh nghiệp có yếu tố gia đình ông chủ là người dẫn dắt. Văn hoá doanh nghiệp là ý chí của nhà lãnh đạo. Văn hoá là nền tảng của sự phát triển bền vững doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Deloitte Việt Nam, văn hoá gia đình tác động mạnh mẽ tới quản trị của doanh nghiệp gia đình. Tính minh bạch trong doanh nghiệp gia đình rất quan trọng. Minh bạch về quyền lực và tài chính. Tài chính gia đình khác với tài chính doanh nghiệp, ông chủ trong doanh nghiệp gia đình vẫn có mức lương rõ ràng. Như vậy sẽ không có tị nạnh, nghi kị.

Bên cạnh đó là minh bạch về quyền lực, thế hệ nào, chuyển giao cái gì, chuyển giao ra sao. Yếu tố văn hoá truyền thống ngày xưa cứ con trai cả là được thừa kế, cao hơn con thứ thì nay không phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. “Gia đình có tôn ti trật tự trên – dưới nhưng doanh nghiệp thì tôn ti trật tự được xác lập trên năng lực làm việc”, bà Thanh nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate