Công ty SJC vừa thông báo về việc nhiều ngày qua không thu mua các sản phẩm vàng miếng 1 chữ, vàng méo móp là do số lượng hàng tồn kho đã vượt 1.000 lượng mà doanh nghiệp vẫn chưa được cấp quota dập vàng. Vì vậy, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng tồn kho của công ty, SJC sẽ thu mua lại để tái chế nhằm cung ứng ra thị trường.
Vàng 1 chữ là sản phẩm của thương hiệu SJC, có seri gồm một ký tự nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996. Theo nhận định của các chuyên gia, đây không phải là lần đầu tiên vàng miếng một chữ bị thị trường từ chối, tạm ngừng mua. Nguyên nhân vì sản phẩm này không phù hợp với nhu cầu mua vàng miếng của người dân kèm theo đòi hỏi phải là vàng miếng series hai chữ, tức là vàng mới sản xuất.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng những loại vàng cũ được sản xuất từ một bên thứ ba khác, gây khó khăn trong việc quản lý thị trường. Chính điều này khiến cơ quan quản lý phải chặt chẽ hơn trong việc sản xuất mới hay dập ra vàng miếng SJC mới.
Mặc dù vậy, nhiều gia đình có thói quen tích trữ vàng như một loại tài sản nên không ít người có sản phẩm này trong nhà. Vì vậy, dù không có ý định bán vàng nhưng nghe thông tin SJC ngừng mua vàng 1 chữ đã gây tâm lý bất an trên thị trường.
Ông Trương Thanh Đức, chủ tích Hội đồng thành viên Công ty Luật ANVI, cho rằng vàng 1 chữ hay vàng móp méo vẫn không bị cấm lưu thông, mua bán, mà chỉ bị giảm giá vì thị trường “chê”. Doanh nghiệp ngừng mua không phải do pháp luật cấm đoán hay hạn chế, mà chỉ vì không đạt được lợi ích kinh doanh, như khó bán, ít lời, thậm chí bị lỗ.
Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải mua lại vàng miếng, trừ khi đã có cam kết cụ thể với khách hàng. Đây đơn thuần là bài toán kinh doanh, không có lời thì từ chối mua.
Nếu mua xong, cứ để nguyên như vậy mà bán sẽ lỗ, trong khi dập lại thì chưa được phép, đương nhiên doanh nghiệp dừng mua là bình thường.
Ông Trương Thanh Đức, chủ tích Hội đồng thành viên Công ty Luật ANVI
Dưới góc độ là một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, ông Trần Duy Phương cho biết, vàng miếng cũ, móp méo được công ty SJC thu mua có số lượng hơn 2.000 lượng, tính theo giá trị thị trường khoảng 170 tỷ. Số vốn này nằm trong vàng miếng móp méo mà chưa được phép tái sản xuất khiến một phần lớn vốn của doanh nghiệp bị tồn. Do đó, SJC không thể tiếp tục mua vào vàng miếng cũ, móp méo vì nếu mua vào sẽ tiếp tục bị tồn kho, chôn vốn.
Khi SJC từ chối mua, hầu hết các tiệm vàng khác cũng sẽ không mua theo. Lúc này, người sở hữu không thể bán được với giá vàng miếng như hiện tại mà chỉ có thể bán với giá vàng nguyên liệu tại một số ít nơi còn thu gom. Điều đó có nghĩa là người bán vàng chịu thiệt khoảng 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng niêm yết, khiến những người sở hữu vàng miếng lo lắng, bức xúc trong thời gian gần đây.
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, cho biết theo Nghị định 24, công ty không được dập vàng miếng từ vàng nguyên liệu, toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. SJC chỉ được dập lại vàng móp méo theo hạn ngạch được cấp hằng năm. Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, SJC có chỉ tiêu gia công, dập lại khoảng 31.692 lượng, giảm khoảng 4.466 lượng so với năm trước.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC ngày 3/8 đi ngang so với phiên điều chỉnh ngày hôm qua. Cụ thể, giá mua vàng miếng SJC được hầu hết các thương hiệu lớn niêm yết ở mức 78,3 triệu đồng/lượng và bán ở mức 79,8 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.443,1 USD/ounce, giảm 20 USD/ounce so với đêm qua và giá vàng kỳ hạn ở mức 2.469,8 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá vàng thế giới ở mức hơn 75,5 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí…), thấp hơn khoảng 4,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.