Giá vàng thế giới không giữ được mức đỉnh của 9 tháng do đồng USD hồi phục nhẹ sau mấy phiên giảm liên tiếp. Dù vậy, giá kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn trong năm 2023.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng mạnh lên ngưỡng 67,5 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/1) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 7 USD/oz, tương đương giảm gần 0,4%, còn 1.909,7 USD/oz. Lúc hơn 9h sáng nay (18/1) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đứng ở 1.910,7 USD/oz – theo dữ liệu từ Kitco.
Mức giá này tương đương 54,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 50.000 đồng/lượng.
Đầu tuần này, giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.920 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy lạm phát tiếp tục suy yếu, tạo cơ sở để thị trường tài chính củng cố các kỳ vọng rằng Fed có thể tiến tới dừng tăng lãi suất, thậm chí có thể hạ lãi suất trong năm nay.
Ngoài ra, xu hướng mất giá của đồng USD thời gian gần đây cũng hỗ trợ cho giá vàng. Nếu tính trong vòng 3 tháng, tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác thể hiện qua chỉ số Dollar Index đã giảm gẩn 9,4% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Ba, đồng USD hồi giá sau khi giảm vào đầu phiên, gây áp lực khiến giá vàng không duy trì được đà tăng. Sáng nay, Dollar Index lại giảm, dao động quanh mốc 102,4 điểm, từ mức 102,5 điểm của sáng hôm qua.
“Chúng tôi xem phiên giảm này như một bước lùi nhẹ trong xu hướng giằng co (sideway) nghiêng về tăng của giá vàng. Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa đồng USD yếu đi và mối lo lạm phát còn dai dẳng sẽ tiếp tục hỗ trợ môi trường thuận lợi cho giá vàng”, Giám đốc David Meger của High Ridge Futures nhận định.
Dù lạm phát đã giảm đủ để Fed có thể bớt cứng rắn, ông Meger có quan điểm là mức lạm phát sẽ còn cao so với bình quân lịch sử - và trong môi trường như vậy, vàng sẽ phát huy được vai trò kênh đầu tư chống lạm phát.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 90,6% Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,25% trong cuộc họp vào ngày 1/2 tới đây, và lãi suất cực đại của chu kỳ tăng này sẽ đạt khoảng 5% vào tháng 6. Trong khi đó, các quan chức Fed gần đây dự báo lãi suất sẽ duy trì trên ngưỡng 5% sang năm 2024.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, CEO Jane Fraser của ngân hàng Citigroup nói rằng Fed có thể ngừng tăng lãi suất vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm nay.
Trung Quốc ngày 17/1 công bố thống kê cho thấy nền kinh tế sụt tốc trong năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 cho thấy sự giảm tốc mạnh nhưng vẫn tốt hơn dự báo. Cả năm, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 3%, so với mức dự báo tăng 2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Giới chức và các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay vượt dự báo.
Sự khởi sắc của kinh tế Trung Quốc là một chỉ báo tốt cho nhu cầu vàng vật chất, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi dự báo giá vàng năm nay sẽ bình quân ở ngưỡng khoảng 1.950 USD/oz”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 300.000 đồng/lượng và 350.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,4 triệu đồng/lượng và 55,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 triệu đồng/lượng và 67,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Báo giá USD tại Vietcombank đứng yên so với sáng qua, ở mức 23.280 đồng (mua vào) và 23.600 đồng (bán ra).