Theo cáo trạng, trong năm 2010, 2011, khách hàng cá nhân muốn vay vốn ngân hàng rất khó khăn vì khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng, chỉ có doanh nghiệp mới đáp ứng được.
Lợi dụng việc này, Vân và một số đối tượng thu thập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng cách tìm người có nhu cầu vay tiền, thỏa thuận cho họ vay tiền có thời hạn bằng lãi suất ngân hàng.
Để đảm bảo cho khoản vay, họ phải ủy quyền hoặc chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử đụng dất cho Vân toàn quyền sử dụng để cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng.
Vân và các đối tượng liên quan sử dụng các sổ đỏ làm tài sản đảm bảo thế chấp vào ngân hàng để vay vốn cho công ty do Vân quản lý điều hành nhằm vay số tiền lớn hơn để lấy khoản chênh lệch.
VAY TIỀN TỶ RỒI BỎ TRÓN
Trong vụ án này, cơ quan điều tra làm rõ Vân vay của ông Nguyễn Bá A. (SN 1978, ở quận Ba Đình) số tiền hơn 2,3 tỷ đồng và Nguyễn Hồng Đ. (SN 1964, ở quận Hoàng Mai) 5,3 tỷ đồng. Sau khi vay tiền, Vân bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tiền vay.
Tại cơ quan điều tra, ông Đ. khai nhận cho Vân vay tiền để mua bán nhà đất. giữa hai bên không thỏa thuận lãi suất, nếu mua bán thành công, Vân sẽ chi hoa hồng cho ông Đ.
Tổng cộng từ ngày 17/5/2011 đến ngày 7/6/2011, Vân đã vay của ông Đ. 5,8 tỷ đồng. Sau đó, Vân mới trả lại 500 triệu đồng. Ngày 30/9/2011, Vân viết giấy chốt nợ số tiền 5,3 tỷ đồng nhưng sau đó, bị cáo bỏ trốn.
Với hành vi trên, Vân bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa ngày 30/11/2022, do ông Đ. xuất trình thêm các tài liệu mới nên tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
CHƯA ĐỦ CƠ SỞ XÁC ĐỊNH VIỆC CHIẾM ĐOẠT TIỀN NGÂN HÀNG
Đối với các khoản vay ở 2 ngân hàng, cơ quan điều tra làm rõ, Vân nhận ủy quyền của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng quốc tế Hà Nội để vay ngân hàng hơn 11 tỷ đồng. Mục đích khoản vay là thanh toán tiền mua hàng thiết bị điện. Đảm bảo cho khoản vay là 4 tài sản thuộc bên thứ ba.
Đơn cử như nhà đất của vợ chồng bà Nguyễn Thị L. (SN 1957, ở quận Hoàng Mai) đảm bảo cho khoản vay hơn 2 tỷ đồng của Công ty Hà Nội. Bà L. thừa nhận, thông qua hàng xóm, bà nhờ Vân làm dịch vụ vay tiền ngân hàng số tiền 700 triệu đồng, phí hoa hồng 5% trên số tiền vay (35 triệu đồng). Khi Vân đưa hồ sơ vay vốn, ông bà không đọc kỹ nội dung. Bà L. không biết Vân đã “cắm” sổ đỏ vào ngân hàng để vay số tiền lớn.
Đối với khoản vay trên, ngân hàng đã thu nợ gốc hơn 3,8 tỷ đồng nhờ bán 2 tài sản đảm bảo. Hiện khoản nợ của Công ty Hà Nội tính đến ngày 28/5/2021 là gần 40 tỷ đồng. Số dư nợ còn lại được bảo đảm bằng 3 tài sản bảo đảm khác với giá trị hơn 10,4 tỷ đồng, đủ cho phần nợ gốc còn lại là hơn 7,1 tỷ đồng và một phần nợ lãi.
Do Công ty Hà Nội không còn hoạt động, không có khả năng trả nợ nên ngân hàng xem xét hỗ trợ miễn toàn bộ nợ lãi sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo. Ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng. Với các cán bộ có sai phạm nhất định, ngân hàng đã xem xét xử lý. Ngân hàng xác định chưa thất thoát vốn vay nên chưa có hậu quả thiệt hại.
Tương tự, Vân còn là cổ đông sáng lập Công ty TNHH thương mại Mạnh Hùng Cường. Công ty này đã sử dụng 7 tài sản đảm bảo là bất động sản để thế chấp vào ngân hàng nhằm thanh toán tiền mua đồ gia dụng. Ngân hàng đã giải ngân 10,7 tỷ đồng. Sau khi vay tiền ngân hàng, Vân sử dụng tiền vay không đúng mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Xác minh tại cơ quan thuế cho thấy, từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, công ty không phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa. Chủ các tài sản cũng thừa nhận, do có nhu cầu, họ vay tiền của Vân và Đặng Thị Lan với lãi suất từ 1-1,5%. Theo yêu cầu, họ ký hợp đồng ủy quyền cho Vân và Lan sử dụng sổ đỏ để vay tiền ngân hàng thông qua Công ty Mạnh Hùng Cường.
Thực tế số tiền các chủ tài sản vay ít hơn nhiều số tiền vân và Lan vay ngân hàng. Họ không biết sổ đỏ của minh bị “cắm” vào ngân hàng nào, tiền vay bao nhiêu. Do khoản vay trên vẫn còn tài sản đảm bảo nên chưa có cơ sở xác định thiệt hại.
Do đó, cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ xử lý Vân và các đối tượng liên quan về hành vi chiếm đoạt tiền của ngân hàng.