Dòng tiền suy yếu đáng kể trong phiên chiều nay khiến lực đỡ chỉ có thể duy trì ở vùng sát tham chiếu và độ rộng nghiêng nhiều hơn về phía giảm. May mắn VN-Index vẫn còn trụ VCB tăng tới 3,99%, kéo lại 4,5 điểm trong khi tổng hợp chỉ số hôm nay chỉ tăng 1,79 điểm. Cổ phiếu ngân hàng cũng khá nhiều mã nổi bật.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, đóng cửa chỉ còn 3 mã tăng là VCB, GAS và VNM. Ngoài VCB, chỉ thêm VNM tăng 1,04%, còn lại số giảm bao gồm BID giảm 0,92%, VHM giảm 0,46%, VIC giảm 1,35%, HPG giảm 1,79%, VPB giảm 1,82%.
Ảnh hưởng của VCB rất mạnh vì đây là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong chỉ số VN-Index. Nhóm ngân hàng nhìn chung hôm nay khá tốt sau khi có tin Ngân hàng nhà nước phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngân hàng blue-chips có thêm ACB tăng 2,3%, MBB tăng 1,07%, SHB tăng 1,39%, TCB tăng 0,94%, VIB tăng 1,02%. Một số mã nhỏ hơn như VBB, ABB, NVB, SGB, LPB, OCB tăng hơn 1%. Phía giảm đáng kể là HDB giảm 1,97% và VPB giảm 1,82%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng là yếu tố quan trọng giữ nhịp cho các chỉ số chính. VN-Index chốt phiên tăng 0,16%, VN30-Index tăng 0,02%, trong khi Midcap giảm 0,44% và Smallcap giảm 0,11%. Ngoài VCB, các mã ACB, TCB, MBB, LPB, SHB cũng nằm trong Top 10 cổ phiếu đỡ điểm cho VN-Index. Tới 6/10 mã nhóm này thuộc ngân hàng cũng đủ thể hiện sức mạnh ở nhóm này nổi trội hơn mặt bằng chung, dù biên độ cũng không phải là mạnh.
Sau nhịp sụt giảm cuối phiên sáng, thị trương chiều nay có ổn định hơn nhưng không thể cải thiện. Nguyên nhân một phần đến từ các trụ yếu, đồng thời dòng tiền vào cũng hạn chế. Chiều nay là phiên đầu tiên sau 17 phiên thanh khoản thị trường buổi chiều thấp hơn buổi sáng. Cụ thể, hai sàn chỉ khớp thêm gần 7.589 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên sáng.
Đặc biệt dòng tiền vào rổ VN30 chiều nay giảm tới 26% so với phiên sáng, chỉ đạt 2.210 tỷ đồng. Rổ này đóng cửa với 14 mã tăng/15 mã giảm, trong đó 6 mã giảm hơn 1%. VPB, VIC, HPG thuộc nhóm giảm mạnh nhất và đều thuộc nhóm vốn hóa hàng đầu thị trường. Sự phân hóa thiếu đồng thuận trong nhóm trụ tái diễn đúng vào thời điểm quan trọng khi VN-Index đang nỗ lực tìm kiếm đỉnh cao mới.
Độ rộng toàn sàn HoSE lúc đóng cửa ghi nhận 197 mã tăng/299 mã giảm. Phía giảm có 88 mã giảm hơn 1% trong đó GEX gây sốc với thanh khoản kỷ lục 5 tháng, đạt 47,56 triệu cổ trị giá 1.074 tỷ đồng. Giá GEX rơi 6,14% xác nhận áp lực bán tháo rất mạnh và giá giảm sâu nhất kể từ phiên ngày 23/11/2023. VIX cũng rơi tới 4,09% với thanh khoản lớn thứ hai thị trường với 863 tỷ đồng. 16 cổ phiếu khác giao dịch trên 100 tỷ đồng, nhiều mã giảm 2-3% giá trị. Tổng thanh khoản của nhóm giảm hơn 1% này chiếm 45% tổng khớp sàn HoSE.
Phía tăng, có 77 cổ phiếu tăng hơn 1%, với 9 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng. Ngoài các mã ngân hàng, đáng chú ý có HAG tăng 3,03% với 283,5 tỷ; MSN tăng 2,09% với 247,7 tỷ; VNM tăng 1,04% với 141,7 tỷ; DPM tăng 2,1% với 133,7 tỷ; HAH tăng 1,2% với 111 tỷ. Tổng thanh khoản nhóm tăng trên 1% chiếm 17,7% sàn HoSE.
Như vậy nhìn từ góc độ phân bổ vốn, áp lực bán gây hiệu ứng giảm giá hôm nay chiếm ưu thế áp đảo. Đây là hệ quả của việc nhiều cổ phiếu tăng giá khá mạnh trong ngắn hạn, dẫn tới một đợt bán lớn phiên này. Tuy nhiên nhìn chung độ phân hóa vẫn còn, nhiều cổ phiếu vẫn đang có dòng tiền tái cơ cấu chạy vào. VN-Index đóng cửa đạt 1.131,72 điểm, vẫn cao hơn đỉnh hồi tháng 11 và tháng 12/2023. Đặc biệt thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng tốt 18,4% so với phiên trước và lần đầu tiên vượt mức 15 ngàn tỷ đồng sau 11 phiên.
Khối ngoại chiều nay giao dịch cân bằng hơn, mua vào 478,8 tỷ, bán ra 570,3 tỷ tương ứng bán ròng 91,5 tỷ. Phiên sáng khối ngoại bán ròng 262,5 tỷ đồng. Các mã bị xả lớn là chứng chỉ quỹ FUESSVFL -180,2 tỷ, SSI -89,1 tỷ, VRE -40,1 tỷ, HCM -37,3 tỷ, STB -35,2 tỷ, SHB -26,7 tỷ, BCM -25,1 tỷ, VHM -24,8 tỷ. Phía mua có VCB +91,9 tỷ, VHC +24,3 tỷ, VCI +22,6 tỷ.